Nghề dệt chiếu Uzu

21/03/2018 - 07:08

 - Những chiếc chiếu không được dệt bằng sợi ny-lon, lác, lục bình hay dây chuối hột… mà được dệt bằng Uzu, loại cây được trồng ở Campuchia. Nghề dệt chiếu Uzu hình thành hơn chục năm gần đây, góp phần làm nên diện mạo mới cho nghề dệt chiếu truyền thống ở vùng đất Tân Châu An Giang).

Theo Phòng Kinh tế TX. Tân Châu, hiện địa phương có 4 cơ sở dệt chiếu Uzu, là: Tân Châu Long, Trung Nghĩa, Phương Hà và Tài Thọ với hơn 70 lao động (LĐ) làm việc thường xuyên. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất được khoảng 200 chiếc chiếu/ngày, thu nhập bình quân mỗi LĐ từ 2,5-3,2 triệu đồng/tháng.

Để tạo điều kiện cho nghề dệt chiếu Uzu phát triển, những năm qua, TX. Tân Châu đã hỗ trợ vốn vay theo cơ chế ưu đãi lãi suất cho hoạt động ngành nghề nông thôn, thông qua các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các cơ sở phát triển. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tổ chức đào tạo để nâng cao tay nghề cho LĐ, hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

Hiện nay, chiếu Tân Châu có các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, chủ yếu được dệt từ cây lác hoặc cây Uzu. Cây lác có ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An và cây Uzu ở Campuchia, được các cơ sở thu mua và xử lý thành nguyên liệu dệt chiếu.

Giá thành cây Uzu hiện nay khá cao, hơn 50.000 đồng/kg, trong khi giá thành cây lác chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Trung bình 1kg lác hay Uzu dệt được 1m2 chiếu thành phẩm, do đó chiếu Uzu có giá thành cao hơn những loại chiếu thông thường, nhưng chiếu làm bằng Uzu bền, càng nằm càng có độ bóng, rất đẹp, vì vậy nhiều người vẫn lựa chọn chiếu Uzu để sử dụng.

Thợ dệt chiếu ở đây cho biết, hầu hết các công đoạn từ xử lý nguyên liệu đến dệt thành một chiếc chiếu đều được làm bằng thủ công. Làm chiếu bằng cây lác hay Uzu đều phải trải qua nhiều công đoạn, như: phân loại, sơ chế, nhuộm màu, phơi nắng, giũ, dệt, xông khói, phơi 1 ngày, vệ sinh, xử lý rồi cán bằng, may bìa và đóng gói sản phẩm.

Lúc trước, thợ dệt chiếu chỉ dệt thủ công, mỗi ngày 2 thợ với 1 khung dệt tay làm giỏi cũng chỉ được 3 chiếc chiếu thành phẩm. Hiện nay, có sự hỗ trợ của máy móc nên người thợ dệt chiếu đỡ nhọc nhằn hơn, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên nhiều lần so với trước.

“Dệt chiếu dù bằng tay hay bằng máy cũng phải dệt kỹ, dệt đầy, đi màu đúng mới dệt được 1 chiếc chiếu hoàn hảo. Để chiếu có hoa văn đẹp, người dệt chiếu phải chọn từng cọng lác và sắp xếp theo màu sao cho hợp lý trên từng con thoi dệt…” - chị Thanh, thợ dệt chiếu chia sẻ.

Ghé thăm cơ sở dệt chiếu Tân Châu Long (phường Long Châu, TX.Tân Châu), cơ sở dệt chiếu Uzu lớn nhất ở địa phương do ông Lê Văn Tho làm chủ. Hiện tại, cơ sở Tân Châu Long có 17 khuôn dệt bán thủ công, trong đó có 8 khuôn dệt hoạt động, với 12 LĐ làm việc thường xuyên.

Ông Tho cho biết, sản phẩm chiếu ở đây được chia làm 2 loại: chiếu hàng và chiếu đặt. Chiếu hàng chủ yếu được dệt bằng cây lác, được bày bán ở chợ hoặc chở đi bán dạo, có màu trắng, mẫu mã cố định, hình thức đơn giản.

Chiếu đặt là chiếu được người mua hay thương lái đặt trực tiếp với chủ cơ sở dệt, có in hoa văn và màu sắc đẹp hơn, hình thức được làm theo yêu cầu của người đặt nên đa dạng hơn.

Ngoài sản phẩm chiếu truyền thống, cơ sở sản xuất chiếu của ông Tho còn đa dạng hóa chủng loại sản phẩm đồ thủ công làm từ cây Uzu, như: cặp, giỏ, dây nịt, dép, tấm trải bàn, bóp nữ… để bán tại các hội chợ triển lãm và các điểm tham quan du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu về chiếu Uzu cho du khách

Bên cạnh đó, ông Tho còn áp dụng mô hình sản xuất gắn với du lịch, thực hiện liên kết với các công ty du lịch để thu hút khách tham quan và quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Mỗi tuần, cơ sở này đón khoảng 3-4 đoàn khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm về các công đoạn làm chiếu và sau đó chọn mua những món quà thủ công tại cơ sở. Đây được xem là hướng đi mới để nghề truyền thống phát triển trong thời kỳ đất nước hội nhập.

TRỌNG TÍN