“Giữ lửa” nghề của cha ông
Quê anh Mỏng quê ở Đồng Tháp - cái nôi của nghề đóng ghe, xuồng nức tiếng miền châu thổ Cửu Long. Trước đây, nghề này rất phồn thịnh, mỗi năm đóng hàng trăm chiếc xuồng, ghe cỡ lớn. Sau đó, giao thông đường bộ đi lại thuận tiện, nguồn gỗ khan hiếm, hàng loạt xưởng cưa đã chuyển sang đóng tàu sắt. Thế là nghề truyền thống này dần mai một.
“Nhiều xưởng cưa ở quê nhà chuyển nghề nên tui sang Mỹ Hòa đóng ghe, xuồng thuê cho người ta dưới dòng kênh Long Xuyên. Sau đó, tui mạnh dạn ra làm riêng để kiếm thêm thu nhập…” - anh Mỏng bày tỏ.
Tưởng chừng chuyện làm ăn của anh Mỏng diễn ra suôn sẻ, nhưng trong một lần anh đi đến nhà người thân chơi thì bị một người chạy xe gắn máy tông trúng gãy chân. Bỗng chốc, cuộc sống anh Mỏng lâm vào cảnh khó khăn.
“Tốn kém tui không sợ, nhưng sợ nhất là mình bị người ta cho là vô công rỗi nghề. Mọi chuyện giao cho bà xã. Lúc đó, bản thân như bị rơi vào cảnh bế tắc” - anh Mỏng tâm sự.
Trong một lần ngồi gần đống gỗ lụn vụn, bất chợt anh nảy sinh ý tưởng dùng những tấm ván vụn đóng thành những chiếc xuồng mi-ni để giải trí. Thế là anh bắt tay vào làm miệt mài.
Sản phẩm bán chạy quanh năm
Sản phẩm đầu tay, anh Mỏng đem trưng bày cặp Tỉnh lộ 943 để giới thiệu người đi đường. Ngày qua ngày, chẳng thấy ai hỏi han trả giá mua, chứng tỏ sản phẩm chưa đạt, anh Mỏng tiếp tục mài mò thay đổi kiểu dáng sao cho bắt mắt khách hàng. Được “trời phú” đôi tay khéo léo của người thợ cưa, anh Mỏng đã cho ra lò những chiếc xuồng mi-ni nhỏ, gọn, bắt mắt để dùng làm quà lưu niệm.
“Du khách đi Óc Eo thấy xuồng mi-ni đẹp, ghé lại mua 2-3 chiếc về trưng trong khách sạn, nhà hàng. Nhờ khách hàng góp ý, tôi thực hiện từng công đoạn sắc sảo hơn, sản phẩm chỉn chu hơn”- anh Mỏng trần tình.
Để những chiếc xuồng mi-ni đạt đến mức tinh xảo, anh Mỏng phải suy nghĩ cách chọn lựa loại gỗ và tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng đường cưa, nét mực. Do vậy, trong quá trình lắp ráp tấm be và thanh cong mới đạt được độ khít cao từ phần mũi cho tới phần lái của chiếc xuồng.
Khách hàng nếu tinh ý nhìn những chiếc xuồng mi-ni của anh Mỏng sẽ thấy có đặc điểm khác với các cơ sở khác là phần mũi xuồng lúc nào cũng quớt cao, có hình dáng thon, mềm mại và sắc nét. Bây giờ, anh Mỏng không làm chơi ăn thiệt như trước nữa, mà làm bằng cả một nghệ thuật điêu luyện của nghề đóng xuồng mi-ni.
“Bởi lẽ, nghề nào cũng vậy, theo thời gian sẽ có cạnh tranh khốc liệt, do đó lúc nào mình cũng tích sực suy nghĩ để cách tân nghệ thuật thì mới đứng vững và tồn tại trên thị trường” - anh Mỏng bộc bạch.
Giờ đây, nghề đóng ghe xuồng mini được nhiều nơi đặt hàng nên sản phẩm anh Mỏng làm ra bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu. Vào những ngày lễ, Tết, du khách đi ngang Tỉnh lộ 943 đều ghé lại cơ sở của anh Mỏng để ngắm những chiếc xuồng nhỏ xíu xinh xắn, sẵn tiện mua mang về nhà trưng hoặc làm quà biếu rất sang. Mỗi chiếc xuồng mi-ni của anh Mỏng làm ra giá dao động từ 200.000-1.000.000 đồng/chiếc (tùy theo kích thước).
Anh Mỏng cho biết, dịp Tết Mậu Tuất, anh được nhiều đơn vị đặt hàng, làm không kịp bán. Có nơi đặt 4-5 chiếc, anh phải thức thâu đêm và nhờ bà xã gia công tiếp, mới kịp giao hàng trong Tết. Nhờ nghề này mà anh có “đồng ra, đồng vô” nuôi con đi học đàng hoàng. Cũng theo anh Mỏng, nghề đóng xuồng mi-ni chỉ bán chạy nhất trong dịp Tết. Do đó, nếu được một doanh nghiệp trong hoặc ngoài tỉnh ký hợp đồng đóng xuồng mi-ni làm quà lưu niệm bán tại các điểm du lịch cho lữ khách thì cuộc sống sẽ ổn định hơn.
Mỗi năm, anh Mỏng đóng từ 40-50 chiếc xuồng mi-ni, kích thước nhỏ nhất có chiều dài là 5 tấc, kích thước lớn nhất dài 2,5m. Thường loại gỗ dùng đóng xuồng mi-ni là xoan đào hoặc tràm bông vàng. Theo anh Mỏng, 2 loại gỗ này dễ làm và sơn PU rất bóng, đẹp, lâu hư so với các loại gỗ khác. |
Bài, ảnh: LƯU MỸ