Cơ sở sản xuất lò đất của anh Trương Văn Khiêm (sinh năm 1979, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chỉ vỏn vẹn có 3 nhân công, đều là những người hàng xóm của nhau, làm việc từ thời thiếu niên đến nay cho gia đình anh Khiêm, nên rất lành nghề.
Mỗi ngày cơ sở sản xuất lò đất của gia đình anh Khiêm làm ra khoảng 300 cái lò, với nhiều kích cỡ khác nhau, từ số 0 đến số 5. Để làm hoàn thành một cái lò phải mất khá nhiều công đoạn, vì tất cả quá trình đều làm bằng tay trừ công đoạn xả nhồi đất phải cần đến sự hỗ trợ của thiết bị máy móc.
Anh Hiền – một trong 3 người thợ phụ tại cơ sở của anh Khiêm, cho biết: “Sau khi đất được mang về, tôi chia nhỏ đất ra, đưa vào máy xả nhồi cho đất tăng độ dẻo dai và cho thêm một ít nguyên liệu tro đốt để lò không bị nứt trước khi đưa vào khuôn đúc lò. Công đoạn này phải làm đến 2 lần để khi thành phẩm lò đất bền và đẹp hơn”.
Thông thường quy trình làm một chiếc lò đất được bắt đầu từ việc pha nguyên liệu nhồi đất, cho vào khuôn đúc, rồi đem phơi ráo. Sau đó, gắn mỏ “đầu ông táo” và chỉnh lại cho đẹp, rồi tiếp tục mang phơi một nắng cho khô và đem nung hơn một ngày để lò được chắc cứng.
Khi nằm trong lò nung với trấu khoảng 2 ngày, mẻ lò đất được lấy ra, mang đến nơi tập kết để tiếp tục công đoạn cuối là nung “chín” để có màu bắt mắt. Sau khi hoàn thành, lò đất được gắn vĩ bên trong và bọc lớp vỏ thiếc bên ngoài để tăng sức chống chịu khi bị va đập
Hiện nay, cơ sở sản xuất lò của anh Khiêm chỉ sản xuất một loại lò mang đặc trưng riêng của cơ sở mình và làm theo yêu cầu khách hàng.
Anh Khiêm chia sẻ: “Mặc dù cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, nhưng không vì vậy mà những dụng cụ truyền thống như lò đất bị lãng quên. Ngược lại, để phục vụ nhanh gọn, tiết kiệm, an toàn trong kinh doanh không ít tiểu thương chọn mua lò đốt than. Gia đình sẽ cố gắng bám trụ duy trì nghề này cho đến lúc không thể….”
NGUYỄN HƯNG