Huỳnh Hồ Trọng Nam cùng bà ngoại
Căn nhà đơn sơ ở ấp Hòa Bình 2 (xã Hòa Lạc) là nơi Trọng Nam đang sống với bà ngoại (năm nay 83 tuổi) cùng gia đình người cậu. Nam bị khuyết tật khi còn trong bụng mẹ. Gia đình cho biết, thời điểm đó, mẹ của Nam đã mắc bệnh ung thư hơn 6 tháng. Do trước đó không tầm soát nên vẫn để thai và sinh con. Nhưng đó cũng là duyên may để Nam đến với cuộc đời này. Bà Ngô Thị Sủi (ngoại của Nam) kể, lọt lòng mẹ, Nam bị hở hàm ếch, không thể bú được nên phải đút từng muỗng sữa. Chưa kể sức khỏe em rất yếu ớt, mang nhiều bệnh, nên nuôi lớn dần nhưng vẫn phải uống sữa theo cách đó đến năm 12 tuổi. Đúng thời điểm này thì mẹ của Nam mất sau nhiều năm vật vã với bệnh tật.
Bà Sủi không nhớ hết bao nhiêu lần đưa Nam đi phẫu thuật chỉnh hình, chứng kiến đứa cháu nhỏ chiến đấu với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Lần cuối cùng do sức khỏe của Nam không đảm bảo nên bác sĩ cho về, hàm ếch gần như trở lại hiện trạng ban đầu, ảnh hưởng đến giọng nói và ăn uống khó khăn. Bao nhiêu nhọc nhằn và gánh nặng tiền bạc chồng chất lên mái ấm nghèo. Cha của Nam không có việc làm ổn định, bỏ gia đình từ khi em còn nhỏ. Vậy là cậu bé chỉ còn nương nhờ tình thương của ngoại để lớn lên.
Suốt những năm qua, do mang nhiều bệnh trong người nên Nam còn lệ thuộc thuốc như cơm bữa. Cảm nhận tuổi già ngày càng rõ, không còn sức lao động, nhiều lần bà Sủi khuyên cháu nghỉ học. Còn cậu bé Nam hiền lành chẳng có lựa chọn nào khác ngoài đeo đuổi con chữ để mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Nhắc đến hai chữ “ngày mai”, người bà lại thở dài: “Nó thì ham học lắm, muốn có cái nghề để nuôi bản thân, nhưng tôi chắc không lo nổi nữa rồi”.
Tình thương và sự giúp đỡ của những người xung quanh là món quà tiếp thêm động lực cho Nam. Tay và chân chỉ có vài ngón thì cậu bé càng cố gắng nhiều hơn để tự sinh hoạt, ròng rã xe đạp đến trường, bất kể mưa nắng… Hình ảnh cậu học trò hiền lành trong chiếc áo trắng tinh khôi ngồi chăm chú bên bàn học trở nên quen thuộc và thân thương trong mắt thầy, cô và bạn bè. Bàn tay không đủ năm ngón vẫn cố cầm chặt cây viết, tay còn lại giữ từng trang sách để theo dõi bài. “Nhìn bạn bè xung quanh, em từng mang mặc cảm. Nhưng thầy, cô và bạn học đều quan tâm giúp đỡ em. Sống với bà ngoại thời gian qua em đã hạnh phúc lắm rồi. Hoàn cảnh không may mắn thì em phải nỗ lực nhiều hơn để thực hiện ước mơ của mình, đó là có thể nuôi sống bản thân, đóng góp có ích cho xã hội” - Nam chia sẻ.
Không có con đường cùng với những người luôn cố gắng. Mỗi năm học, Nam được nhận học bổng, miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Từ nhỏ, Nam đã đạt thành tích học tập khá, giỏi, trở thành tấm gương nỗ lực được bạn bè nể phục. Học chung với Nam từ cấp tiểu học, em Nguyễn Thái An luôn thấy sự nỗ lực không ngừng từ người bạn đồng lứa. “Bạn ấy rất siêng năng, cố gắng trong học tập, bài nào chưa rõ nội dung liền hỏi, kiến thức nào chưa biết cũng tích cực tìm hiểu. Nam còn rất hòa đồng và được nhiều người yêu mến” - An chia sẻ.
Thầy Hồ Phạm Minh Phước (giáo viên chủ nhiệm) cho hay, từ đầu năm học tiếp nhận lớp là đã nắm hoàn cảnh của Nam. “Qua tìm hiểu, gia đình đã điều trị cho em từ nhỏ nhưng không đạt được kết quả như mong muốn. Trong hoàn cảnh như vậy, Nam lại rất cố gắng học để theo đuổi khát vọng của riêng mình và đền đáp công ơn của ngoại nuôi dưỡng từ nhỏ. Suốt quá trình học tập, Nam rất chăm chỉ, siêng năng làm bài, những bài khó đều tìm gặp riêng thầy cô để hỏi. Ngại giọng nói của mình, khi thắc mắc điều gì, Nam sẽ mở lời “Thầy giúp em” và chỉ tay thẳng vào bài tập chứ không trình bày. Ý chí đó khiến thầy, cô rất thương và luôn nhiệt tình giúp đỡ” - thầy Phước chia sẻ.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Nam đạt tổng số 23 điểm khối tự nhiên, đậu vào ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nguyện vọng của Nam là theo học ngành hóa dược và dự định sẽ ôn tập để thi lại. Được giáo viên định hướng và gợi ý học cùng ngành ở bậc cao đẳng, Nam đồng thuận vào Trường Cao đẳng Y tế An Giang học tập. Dù là lựa chọn nào, phía sau cậu học trò nghị lực luôn có nhiều người ủng hộ… Nam cho biết, em vẫn luôn nuôi hy vọng và nỗ lực đến cùng cho lựa chọn duy nhất của mình về ngày mai.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ. |
MỸ HẠNH