Trong căn nhà nhỏ của ông, giá trị nhất có lẽ là những tấm giấy khen được treo trang trọng trên vách tole. Với ông, đây là thành quả bù đắp cho tháng ngày vất vả. Trao đổi với chúng tôi, ông Đức nghẹn ngào cho biết, trước đây, vợ chồng ông cùng các con sống rất hạnh phúc.
Tuy nhiên, ông không may bị sốt bại liệt, làm 2 chân bị teo yếu, đi lại khó khăn. Cũng trong lúc này, ông Đức phải chịu thêm cú sốc tinh thần lớn: Vợ ông ra đi không nói lời từ biệt, để lại ông bệnh tật và 3 con gái nhỏ, trong đó đứa nhỏ nhất vừa tròn 1 tuổi. Một người lành lặn còn khó khăn, huống chi ông đã thành người khuyết tật!
Nhưng nếu lúc này ông suy sụp, 3 đứa con thơ biết phải làm sao? Cố gắng vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, ông Đức xin làm nghề đan võng mướn. Tiền công vỏn vẹn 1.500 đồng/cái, nên dù làm ngày đêm, ông vẫn không trang trải đủ chi phí gia đình. Khoảng 1 năm sau đó, bà con, hàng xóm thương hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ vốn để ông bán vé số. Bằng đôi chân đau yếu và teo tóp, ông đi bộ, rong ruổi khắp nơi.
Thấy vậy, mọi người giúp đỡ cho ông được chiếc xe lắc. Đây cũng là phương tiện đưa rước các con đi học. Cảnh 4 cha con cùng ngồi trên chiếc xe lắc đến trường, về nhà, rồi có lúc cùng nhau đi bán vé số, khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải nghẹn ngào, thương cảm.
Mỗi ngày, ông Đức rong ruổi trên nhiều nẻo đường “bán may mắn cho người”, mong kiếm đủ tiền nuôi gia đình và lo cho các con học hành. “Tôi có tiền trợ cấp người khuyết tật hàng tháng, tiền bán vé số, lâu lâu có người trao tặng nhu yếu phẩm cần thiết, sách, vở, quần áo cho các con. Gia đình tôi xài tiết kiệm, tạm ổn hơn trước” - ông Đức chia sẻ.
Hiểu được khó khăn, vất vả của ba, nên các con ông đều cố gắng học, đạt thành tích giỏi. Năm học này, con gái lớn Nguyễn Thị Diễm Hương học lớp 9, con gái thứ hai Nguyễn Thị Yến Minh học lớp 7 (Trường THCS Mỹ Phú), còn con gái út Nguyễn Thị Mai Linh học lớp 5 Trường Tiểu học Mỹ Phú. Không những học giỏi, Hương còn chăm ngoan, phụ ba nấu cơm, giặt đồ, dạy các em học tập và chăm lo nhà cửa. Minh tranh thủ buổi chiều tối đi bán vé số cùng ba trên chiếc xe lắc nên bán được nhiều vé số hơn. “Con rất thương ba. Con hứa sẽ học tập thật giỏi để sau này giúp đỡ cho ba và lo cho các em” - Hương chia sẻ.
Khi nói về tương lai, câu nào ông Đức cũng nhắc đến 3 đứa con. Mong sao các con được ăn học đến nơi đến chốn là ước mơ duy nhất của ông. “Đã nghèo khổ do không được ăn học tới nơi tới chốn, tôi phải cố gắng lo cho các con học hành đầy đủ, tương lai các con mới tốt hơn” - ông Đức bày tỏ.
Dù còn rất nhiều lo toan, vất vả, lại oằn mình gồng gánh nỗi đau trong cuộc sống kém may mắn, nhưng không vì thế ông Đức đầu hàng số phận. Ông vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên, hy sinh thầm lặng, động viên, tiếp thêm sức mạnh giúp các con học tập. Đó chính là điều trân quý nhất của người cha đối với các con và của người trụ cột gia đình.
“Cảm thông với hoàn cảnh gia đình anh Đức, hàng năm tôi hỗ trợ sách giáo khoa, tạo động lực để các cháu tiếp tục học tập, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn” - anh Nguyễn Ngọc Trung (người dân ngụ cùng xã) cho biết.
“Nhà khó khăn, nhưng các cháu luôn hiếu học. Vì vậy hàng năm, Hội Khuyến học xã hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cháu được tiếp bước đến trường, như: Sách, tập vở, cặp, quần áo... Bên cạnh đó, hàng tháng Hội Khuyến học phối hợp Hội Chữ thập đỏ xã hỗ trợ cho gia đình 10kg gạo và nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ 2 góc học tập, giúp các cháu an tâm học tập, thực hiện ước mơ của mình” - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mỹ Phú Trần Thị Lệ Thu thông tin.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ. |
TRỌNG TÍN