Nghị quyết của Bộ Chính trị làm nức lòng doanh nhân Việt
12/10/2023 - 06:52
Tại buổi gặp với Thường trực Chính phủ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, đại diện doanh nghiệp chia sẻ thành tích, bày tỏ những mong muốn được Chính phủ hỗ trợ.
AA
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều nay 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã bày tỏ niềm vui lớn trước việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói: "Một niềm vui lớn đối với các doanh nhân trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay là được đón chào Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045".
Ông Công khẳng định, nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn và cùng khẳng định rằng sẽ nỗ lực vươn lên, đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai để cùng nhân dân cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch tập đoàn Sovico bày tỏ: "Thêm một tin vui nữa tôi muốn chúc mừng trong hội nghị ngày hôm nay là chúng ta vừa nhận được thông tin: Bộ Chính trị ngày 10/10 vừa thông qua Nghị quyết làm nức lòng doanh nhân chúng ta. Đó là Nghị quyết về phát huy vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Từ tin vui này, chúng ta cùng hứa quyết tâm thêm để cùng đóng góp cho một Việt Nam hùng cường.
Tôi mong rằng tiếp tục nhận được sự định hướng, các chương trình cơ chế chính sách mở ra tạo điều kiện hỗ trợ, tạo thêm động lực, tạo thêm nữa niềm tin cho doanh nghiệp Việt Nam vững bước tiến lên phía trước với tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Thay mặt cộng đồng doanh nhân gửi đến hội nghị, gửi tới Chính phủ, Thủ tướng lời cam kết với tinh thần quyết tâm cao nhất sẽ tiếp tục đóng góp không mệt mỏi cho phát triển của một Việt Nam hùng cường, xã hội công bằng văn minh, vì hạnh phúc của người dân, tiếp tục mang tới sản phẩm sáng tạo mang thương hiệu Việt Nam phục vụ cho người dân Việt Nam và đi ra thế giới; tiếp tục mang thế giới tới Việt Nam và mang Việt Nam đến toàn cầu".
Mong Chính phủ hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn, hạ dài hơn nữa
Đó là nguyện vọng của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ông Bình chia sẻ ba chuyện vui: Niềm vui thứ nhất được Thủ tướng mời gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Niềm vui thứ hai là niềm vui làm người doanh nhân. Chúng ta sống cuộc sống vui, có khó khăn vất vả nhưng rất vui vì đã vượt qua khó khăn tạo ra của cải vật chất xã hội, chăm lo gia đình, lo cho nhân viên, đóng thuế cho Nhà nước, làm nhiều việc tốt cho xã hội. Niềm vui thứ ba là vừa vui vừa phải suy nghĩ, nỗ lực.
"Chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc với hai siêu cường thế giới, cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu hiểu được niềm vui này, khai thác được niềm vui này thì thành công còn nhiều hơn nữa", ông Bình nói.
Nhân dịp này, Chủ tịch FPT đề nghị: "Chính phủ đã thương yêu doanh nghiệp thì thương yêu nhiều hơn, đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn tháo khó khăn hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn, hạ dài hơn nữa. Có tình cảm đó thì doanh nghiệp Việt Nam như đàn chim Việt sẽ dang cánh bay trên bầu trời đưa Việt Nam vào vị thế quốc gia hùng cường và hạnh phúc".
Trong khi đó, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH , Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam mong muốn một số Luật được ban hành sớm, như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước, Luật Nhà ở… để các doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ nói riêng tuân thủ, hoạt động một cách chuyên nghiệp, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng theo hướng phát triển bền vững.
Bà Hương cũng mong muốn Chính phủ cần chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các bộ ban ngành, trong đó trực tiếp là Bộ Y tế xây dựng căn cứ quy chuẩn để trình Quốc hội Luật Dinh dưỡng cho người Việt với lộ trình từng giai đoạn, mà trước hết là Luật Dinh dưỡng học đường.
“Và cuối cùng, đề nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ hãy bằng những cơ chế chính sách mềm để nâng bước khích lệ, nâng tầm vị thế đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam là kho báu của đất nước”, bà Hương nói.
Nỗ lực đổi mới, doanh nghiệp Việt gặt hái thành công
Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan chia sẻ về việc đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
Ông nói, xác định rõ mục tiêu của đổi mới sáng tạo là phải đi thẳng vào, góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên như biến đổi khí hậu (trong bối cảnh thiên tai đang diễn ra cực đoan, phức tạp, gay gắt, không theo quy luật); phát triển xanh, năng lượng sạch; chuyển đổi số…
Masan không ngừng đầu tư nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất, kiến tạo những giải pháp đột phá, phát triển các sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tính đến năm 2023, công ty đã có gần 100 bằng sáng chế mới trên toàn thế giới và 50 bằng sáng chế khác đang trong giai đoạn ứng dụng.
Hiện nay, các sản phẩm vật liệu của Masan High-Tech Materials đã tiếp cận thị trường toàn cầu. Cụ thể, 45% sản phẩm của công ty được bán ở châu Âu, 22% được bán ở khu vực Bắc Mỹ, 18% được bán ở Trung Quốc và sản xuất tại Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc; 15% được bán ở các nước còn lại trên thế giới. Masan High-Tech Materials có mạng lưới khách hàng rộng khắp, với hơn 300 khách hàng ở 30 quốc gia khác nhau.
Trong quá trình sản xuất, Masan High-tech Materials luôn cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường, đổi mới công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất, phương thức quản lý để đáp ứng các yêu cầu trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng chia sẻ về đổi mới, củng cố công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và dịch chuyển mô hình kinh doanh.
Nhờ vậy, tổng doanh thu của Petrovietnam từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đạt 2.117 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 349,12 nghìn tỷ đồng, tăng 40%; lợi nhuận đạt 152,6 nghìn tỷ đồng, tăng 60%; tiết giảm chi phí đạt 13.792 tỷ đồng; thu nhập người lao động tăng 18,2%.
Đặc biệt trong bối cảnh vô cùng khó khăn năm 2020 (khi giá dầu -37,63 USD), Petrovietnam là một trong số ít doanh nghiệp vượt qua, có lãi gần 20.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 655 nghìn tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 9 tháng, hoàn thành 97% kế hoạch năm. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 105,4 nghìn tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm 2023 (đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 5 tháng). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn vượt 17% kế hoạch năm.
Theo NGỌC VY (VTC News)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: