Chúng tôi có mặt tại ấp Vĩnh Bường (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) ngay thời điểm Đội từ thiện sửa đường xã Châu Phong dặm vá đường nông thôn. Dưới cái nắng như đổ lửa trưa tháng 5, họ miệt mài đổ đá, đổ nhựa. Công việc vất vả, “không công”, nhưng mọi người đều vui vẻ vì làm được việc ý nghĩa. Đội thành lập vào những năm 2000, do ông Huỳnh Văn Phện (tên thân mật là Út Phện, ngụ ấp Vĩnh Lợi 1, xã Châu Phong) “đứng mũi chịu sào”. Năm nay, dù đã đến tuổi “cổ lai hy”, nhưng ông Út Phện vẫn khỏe mạnh, miệt mài với công việc từ thiện của mình.
Ông bắt đầu dặm vá đường cách đây hơn nửa thế kỷ. Ngày trước, giao thông ở quê chủ yếu là đường đất, đá. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Những lúc đi làm về, thấy đoạn đường xuống cấp, ông Út Phện trăn trở, mong muốn làm điều gì đó. “Tối đến, tôi lấy xe đẩy chở cát, đá đi dặm, vá đường hư hỏng. Chỗ nào xa thì sử dụng xe đạp để kéo. Công việc dù khó khăn, nhưng được giúp đỡ mọi người, tôi cảm thấy rất vui” - ông Út Phện chia sẻ.
Đội từ thiện sửa đường xã Châu Phong trở nên quen thuộc với người dân TX. Tân Châu
Không muốn “đánh bóng tên tuổi”, thời gian đầu, ông Út Phện lựa buổi tối để sửa đường. Dần dần, người dân địa phương biết được nghĩa cử cao đẹp của ông, tự nguyện tham gia. Từ vài thành viên ban đầu, số lượng ngày càng phát triển; chiều dài đường được sửa chữa, dặm vá ngày càng nhiều hơn. Những năm 2000, Đội từ thiện sửa đường xã Châu Phong chính thức hoạt động. Không chỉ trong địa bàn xã, hầu như mọi con đường ở TX. Tân Châu đều thấm mồ hôi, công sức của cả đội.
Không chỉ hoạt động tại “xứ lụa”, Đội đến các huyện lân cận. “Tôi thường đi nhiều nơi, biết những đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp, cần được sửa chữa, dặm vá. Bên cạnh đó, những lần đội hoạt động, người dân thấy thông tin in trên áo của các thành viên, lưu lại để khi cần liên hệ. Nhờ hoạt động hiệu quả nên chúng tôi được nhiều địa phương biết đến. Vậy nên, công việc cứ liên tục, không có ngày nghỉ. Phần lớn kinh phí hoạt động của đội chủ yếu do nhân dân, nhà hảo tâm trong và ngoài xã đóng góp” - ông Út Phện chia sẻ.
Tùy tình hình thực tế của công trình và địa phương thực hiện, số lượng thành viên tham gia từ 6 - 8 người, có lúc lên đến 40 - 50 người. Mỗi người có hoàn cảnh sống, công việc khác nhau. Tuy nhiên, họ đều có điểm chung là muốn góp một phần công sức giúp đỡ mọi người, phát triển địa phương. Gắn bó với đội hơn 10 năm, anh Cao Tấn Nhí cho biết, kinh tế gia đình chủ yếu nhờ vào làm ruộng. Những lúc nông nhàn, anh thường theo đội sửa đường. Công việc vất vả, nhưng mang lại cho anh niềm vui.
Đồng quan điểm với anh Nhí, ông Đào Văn Lắm (65 tuổi, hơn 20 năm gắn bó cùng đội) chia sẻ: “Tôi làm công việc này xuất phát từ cái tâm. Thấy người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện, bản thân tôi rất vui. Vui vì đã góp một phần công sức của mình cho xã hội. Vui khi thấy gương mặt phấn khởi của người dân đi trên con đường. Đồng thời, vui vì bản thân góp phần giảm tai nạn giao thông”.
Ngoài sửa chữa, dặm vá đường giao thông, Đội từ thiện sửa đường xã Châu Phong còn vận động vật liệu cất nhà Tình thương; lấy thuốc nam từ thiện cung cấp cho cơ sở đông y trên địa bàn… Công việc khó khăn, vất vả cỡ nào, ông Út Phện cùng các thành viên vẫn luôn duy trì. Bởi họ có “hậu phương” vững chắc, là gia đình, người thân và xã hội ủng hộ. Họ chỉ mong có sức khỏe tốt để tiếp tục công việc ý nghĩa này.
Rất khó để thống kê hết các đoạn đường mà ông Huỳnh Văn Phện cùng Đội từ thiện sửa đường xã Châu Phong đã chăm chút. Những việc làm tưởng chừng nhỏ bé, nhưng đầy nhân văn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang.
ĐỨC TOÀN