Người dân giải nhiệt tránh nắng nóng tại một đài phun nước ở Paris, Pháp, ngày 16/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Nghiên cứu mô hình hóa cho thấy tăng 30% diện tích bao phủ của cây có thể giúp giảm trung bình 0,4 độ C trong những tháng hè. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có thể ngăn chặn 1/3 trong số 6.700 ca chết yểu liên quan đến nhiệt độ cao tại 93 thành phố ở châu Âu năm 2015. Hiện chỉ gần 15% môi trường đô thị tại châu Âu được bao phủ bởi các loại cây cối.
Tác giả hàng đầu của nghiên cứu, chuyên gia tại Viện Sức khỏe toàn cầu ở Barcelona, bà Tamara Iungman cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy tình trạng tử vong sớm vì nhiệt độ cao tại các thành phố có thể tránh được bằng việc bao phủ cây xanh.
Theo bà Iungman, nhiệt độ cao trong môi trường đô thị gắn liền với hậu quả tiêu cực về sức khỏe, như bệnh tim mạch, nguy cơ nhập viện và tử vong sớm. Bà cho biết thêm rằng mục đích của nghiên cứu là “thông tin cho các nhà hoạch định chính sách địa phương về lợi ích của việc kết hợp cơ sở chiến lược không gian xanh với các kế hoạch đô thị hóa nhằm tăng diện tích môi trường đô thị lành mạnh và bền vững.
Các thành phố ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục so với các vùng ngoại ô hoặc nông thôn do cái gọi là tác động “đảo nhiệt đô thị”. Đảo nhiệt đô thị (UHI) là hiện tượng xảy ra khi các thành phố thay thế lớp đất phủ tự nhiên bằng các bề mặt dễ hấp thụ và giữ nhiệt như vỉa hè hoặc tòa nhà cao tầng. Điều này khiến khu vực đô thị trở nên nóng hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh, thậm chí còn làm tăng mức độ ô nhiễm không khí và các loại bệnh liên quan đến nhiệt độ.
Biến đổi khí hậu đã làm vấn đề này càng nghiêm trọng hơn. Năm 2022, châu Âu đã chứng kiến mùa hè nóng nhất, và là năm ấm thứ hai từ trước tới nay. Những đợt nắng nóng trên khắp thế giới đang ngày càng nóng hơn và gia tăng cường độ trong những thập kỷ gần đây.
Ngày nay, các điều kiện khí hậu lạnh vẫn gây nhiều ca tử vong ở châu Âu hơn điều kiện thời tiết nóng. Nhưng các mô hình khí hậu cho thấy số ca bệnh và tử vong liên quan đến nắng nóng sẽ tạo gánh nặng lớn hơn cho các cơ quan y tế trong vòng một thập kỷ tới. Bà Iungman cảnh báo: “Điều này ngày càng trở nên khẩn cấp hơn vì châu Âu đang liên tiếp trải qua những đợt nắng nóng cực đoan do biến đổi khí hậu”.
Trung bình, vào mùa hè năm 2015, nhiệt độ ở các thành phố đã tăng 1,5 độ C so với vùng nông thôn xung quanh. Thành phố có mức tăng nhiệt lớn nhất (4,1 độ C) là Cluj-Napoca ở Romania. Tại tất cả các thành phố, 75% dân số sống ở khu vực có mức tăng nhiệt ít nhất 1 độ C, trong khi 20% sống tại những nơi ấm hơn 2 độ C. Các thành phố có tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ nằm ở Đông và Nam Âu.
Nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy những không gian xanh có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chứng mất trí nhớ và bệnh về tâm thần, cũng như cải thiện khả năng nhận thức của trẻ em và người cao tuổi.
Theo TTXVN