Anh Cao Văn Mẫn (38 tuổi, ngụ ấp Sơn Hiệp (xã An Bình) ngày trước vốn có một gia đình yên bình. Dù cuộc sống hàng ngày có khó khăn khi một mình anh phải làm phụ hồ để chăm lo chi phí cho cả gia đình. Những tưởng ngày tháng êm đềm ấy cứ lần lượt trôi qua, rồi vợ chồng anh sẽ có được những đứa con thơ để vui cửa vui nhà. Vậy mà, sau một giây phút bất cẩn, cả cuộc đời anh Mẫn đã hoàn toàn thay đổi.
Anh Cao Văn Mẫn
Anh Mẫn kể lại: “2 năm trước, trong lúc làm phụ hồ cho công trình xây dựng nhà ở cho hộ dân, tôi đứng trên mái nhà và chuyền thanh sắt cho người làm chung. Tôi quên mất rằng phía trên mình là dòng điện cao thế. Ngay lập tức, tôi bị phóng điện và bỏng vùng bụng, bị hoại tử phần chân trái phải cắt bỏ một phần mới mong giữ được chân.
Sau thời gian chữa trị tích cực, tôi được trở về quê nhà, theo lịch hẹn của bác sĩ tôi còn phải nhiều lần quay lại tái khám mới mong chữa trị dứt điểm. Thế nhưng, từ ngày về nhà do không đủ tiền trở lại TP. Hồ Chí Minh, tôi tự điều trị tại bệnh viện gần nhà nhưng vết thương không khỏi và xuất hiện nhiều vết mưng mủ”.
Anh Mẫn cho hay, anh đã trải qua 3 lần đi phẫu thuật nhưng vết thương không lành. Lần cuối cùng phẫu thuật đến nay đã 6 tháng. Anh cứ tưởng rằng vết thương tạm ổn, anh có thể đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ để tập vật lý trị liệu và mong được lắp chân giả để bán vé số mưu sinh. Thế nhưng, đến gần ngày lắp chân, bác sĩ nhận thấy vết thương bên trong chân vẫn sưng và mưng mủ, chỉ định anh thực hiện ngay phẫu thuật điều trị. Qua thăm hỏi chi phí mổ lên đến 5 triệu đồng, anh Mẫn ngập ngừng từ chối yêu cầu của bác sĩ.
“Hai năm qua, từ lúc tôi bị tai nạn thì vợ lại ngại ngần, ngán cảnh chăm sóc và lo chi phí điều trị cho tôi nên lặng lẽ rời đi. Tôi chỉ còn nhờ đến bàn tay chăm sóc của mẹ. Mẹ tôi năm nay đã 64 tuổi, không làm gì ra tiền, nay phải chăm lo cho tôi và đứa cháu con của người em gái. Mọi chi phí hàng ngày giờ chỉ trông chờ vào đồng lương tằn tiện từ công việc làm thuê của em gửi về. Còn chi phí để làm chân giả, tôi phải vay mượn người quen. Nay, lo thêm 5 triệu đồng để phẫu thuật thì tôi không lo xuể”.
Anh Huỳnh Văn Lên (nhóm thiện nguyện Phước Duyên ở Thoại Sơn) cho hay: “Anh Mẫn đang bị nhiễm trùng vết thương do cắt cụt cẳng chân, anh ấy cần phẫu thuật để điều trị mới mong có cơ hội lắp chân giả. Trước tình cảnh khó khăn của anh bấy lâu nay, địa phương và mấy anh em thiện nguyện rất quan tâm. Chúng tôi đang tích cực vận động và mong rằng các tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay giúp đỡ để anh Mẫn có điều kiện điều trị vết thương đến nơi đến chốn”.
Ông Nhơn và bà Nhậm
Về ấp Vĩnh Trung (xã Vĩnh Trạch), chúng tôi chứng kiến hoàn cảnh của ông Võ Thành Nhơn (70 tuổi), một người đàn ông rất đáng thương, rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng. Từ ngày còn trẻ, ông Nhơn đã cùng vợ lam lũ để nuôi 3 đứa con lần lượt nên người. Từ sáng sớm, hình ảnh ông Nhơn đẩy xe đi bán bánh mì đã quen thuộc với người dân xung quanh. Những tưởng năm tháng ấy sẽ đổi được những ngày tháng hạnh phúc về sau.
Vậy mà, đến cái tuổi ngoài 60 tuổi, bệnh tật lần lượt kéo đến. Ban đầu chỉ là những chứng ăn không tiêu, không ngủ được rồi đến hay mệt mỏi, chán ăn kéo đến, người vô cùng mệt mỏi. Mạnh dạn bỏ tiền đi khám, ông nhận được kết quả là mắc căn bệnh ung thư đại tràng. Ban đầu, ông còn mua được thuốc uống, điều trị theo chỉ định của bác sĩ nhưng đến nay tiền đã cạn, ông đành phó thác cho số phận.
Bà Nguyễn Thị Nhậm (vợ ông Nhơn) cho hay: “Nhà tôi lo được các con học đến đại học, cao đẳng, vậy mà không đứa nào tìm được việc làm, đành chọn các công việc lao động phổ thông. Hổm nay ông nhà đau bệnh, các con cố gắng làm việc nhưng không được là bao so với chi phí điều trị hàng ngày khá lớn. Do vậy, tôi rất mong những tấm lòng nhân ái gần xa, cùng chung tay giúp đỡ để tôi có điều kiện chăm lo cho ông ấy được tốt hơn”.
Ông Lương Văn An (người làm công tác thiện nguyện các xã Vĩnh Trạch, Định Thành) cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh nào giờ của chú Nhơn rất khó khăn nhưng cả gia đình đều rất chí thú lao động, nỗ lực để chăm lo con cái ăn học đến nơi đến chốn, nay không may chú ấy đau bệnh nặng mà gia đình không còn khả năng đưa đi điều trị. Những tấm lòng nhân ái ở vùng quê cũng chỉ giúp được chút gạo, ít tiền mua thuốc, chứ còn nhiều hơn là điều rất khó. Do vậy, chúng tôi mong những nhà hảo tâm gần xa cùng chung tay giúp đỡ để chú Nhơn được điều trị bệnh tình tốt hơn”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ.
|
NGỌC GIANG