Người dân khổ vì cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước

27/06/2023 - 06:59

 - Xây dựng và phát triển cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản là vấn đề người dân đồng tình, ủng hộ cao. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa đảm bảo môi trường, gây bức xúc cho người dân lân cận, như cơ sở gia công chế biến cá ở tổ 7, khóm Hòa Phú 1 (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Hộ gia đình sống ở Kênh Tư ảnh hưởng nguồn nước thải

Khiếu nại sự việc đến Báo An Giang, ông Lê Văn Đ., ông Lê Việt N. (đại diện hơn 20 hộ dân) cho biết, cách đây khoảng 3 năm, cơ sở gia công phi-lê cá tra, cá basa (lọc xương cá) hình thành, nhưng không ghi biển tên, do ông Lê Thành T. làm chủ, tiếp giáp Kênh Tư. Kênh dài khoảng 2km, ngang khoảng 5m, qua thời gian bị bồi lấp, hiện vẫn chưa được cải tạo. Đặc biệt, các hộ gia đình “lãnh đủ” mùi hôi thối do bị nguồn nước thải trực tiếp của cơ sở đổ xuống kênh.

Các hộ dân (Nguyễn V.U., Nguyễn T.K., Nguyễn Thị G., Lê V.M.) than thở: “Lúc trời nắng, gặp cơn gió thổi lên thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, chúng tôi vô cùng khổ sở. Biết ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, nguy hiểm cho sức khỏe nhưng vẫn phải cố gắng chịu đựng. Đã nhiều năm, chúng tôi “lãnh đủ” tình trạng này, nhiều lần phản ánh, nhưng đâu lại vào đấy. Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp sớm giải quyết vụ việc, có biện pháp xử lý triệt để nguồn nước hôi thối của cơ sở thải ra Kênh Tư”. 

Bà Nguyễn Thị Tên (Tổ trưởng tổ 4) cho biết, cơ sở gia công nói trên hoạt động khoảng 3 năm, bà con nhiều lần phản ánh nguồn nước thải ra kênh gây ô nhiễm môi trường. Thông tin này là có thật, được báo cáo về trên xem xét, giải quyết. Trưởng khóm Hòa Phú 1 Nguyễn Phước Bền thông tin, cơ sở gia công phi-lê cá đã có nhà máy xử lý nước thải, được chính quyền, ngành chức năng kiểm tra về hoạt động.

Gần đây, cơ sở này chỉ hoạt động cầm chừng, có lúc ngưng hoạt động do ít hoặc không có nguồn nguyên liệu, người lao động rất ít. Phản ánh của bà con được địa phương, ngành chức năng xem xét giải quyết theo quy định. Vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã tiếp nhận phản ánh của người dân, chuyển đơn đến Công an huyện Châu Thành xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nhìn nhận sự việc, luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài có thể bị phạt tiền từ 40 đến 150 triệu đồng, thậm chí, có thể tăng nặng hành vi vi phạm và tổng số tiền phạt (không quá 1 tỷ đồng).

Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định các hành vi mà tổ chức, cá nhân không được làm, liên quan đến chất thải rắn, lỏng, khí gây hại cho tài nguyên thiên nhiên. Hành vi vi phạm sẽ bị nhắc nhở, nếu không khắc phục sẽ cảnh cáo. Để sự cố xảy ra kéo dài, gây nguy hiểm phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Vi phạm nặng nề, bị xử phạt nhiều lần, hứa khắc phục nhưng không thực hiện, cố tình gây nguy hiểm cho nhiều người, cho xã hội, tùy theo mức độ, có thể xử lý hình sự theo Luật Hình sự hiện hành.

Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, có chế tài xử phạt mạnh để răn đe đối tượng vi phạm. Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

 Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hệ thống văn bản này vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao. Tình trạng văn bản được ban hành chưa lâu đã sửa đổi, bổ sung, làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.

Quyền hạn pháp lý của tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là lực lượng cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh. Cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi, loại tội phạm về gây ô nhiễm môi trường còn quá nhẹ, rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự. Còn biện pháp xử lý khác, như: Buộc phải di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường… cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng cơ quan chức năng thiếu kiên quyết nên doanh nghiệp, cơ sở không chấp hành, hứa nhưng không thực hiện.

N.R