Các điểm bỏ phiếu trên toàn Liên bang Nga mở cửa từ 8h - 20h (giờ địa phương) đón các cử tri Nga tới thực hiện quyền công dân. Là đất nước rộng lớn nhất thế giới với lãnh thổ trải dài trên lục địa Á-Âu qua 11 múi giờ, các điểm bỏ phiếu ở thủ đô Moskva và những vùng lãnh thổ Nga ở châu Âu mở cửa lúc 12h (giờ Hà Nội), song các cử tri ở Chukotka hay Kamchatka tại vùng Viễn Đông xa xôi đã đi bầu cử từ 3h sáng nay (giờ Hà Nội). Đi bỏ phiếu muộn nhất là các công dân Nga tại tỉnh Kaliningrad, điểm cực Tây của Nga ở châu Âu, các điểm bầu cử sẽ đóng cửa lúc 1h sáng 19-3 (giờ Hà Nội).
Cử tri chờ bỏ phiếu bầu Tổng thống Nga tại điểm bầu cử ở Vladivostok ngày 18-3. Ảnh: THX-TTXVN
Ít có cuộc bầu cử nào lại tại Nga được quan tâm đặc biệt như cuộc bầu cử tổng thống năm nay, bởi rất nhiều yếu tố. Tám ứng cử viên với các quan điểm khác nhau, từ những gương mặt kỳ cựu như đương kim Tổng thống Vladimir Putin hay đại diện đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky, tới những nhân vật mới như ứng cử viên đảng Cộng sản Nga Pavel Grudinin hay nữ nhà báo “gây sốc” Ksenia Sovchak…, khiến cho đường đua tới Điện Kremlin trở nên hết sức sôi động.
Phương thức tổ chức bầu cử cũng được đổi mới nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch. Lần đầu tiên trong lịch sử, 100% điểm bầu cử đã được trang bị các camera giám sát với kết nối đường dẫn Internet. Số lượng máy móc thiết bị hiện đại giám sát bầu cử và kiểm phiếu tăng hơn gấp đôi, từ 5.572 kỳ bầu cử năm 2012 lên tới trên 12.800 hiện nay. Số lượng quan sát viên độc lập giám sát cuộc bầu cử là hơn 110.000 người, trong đó có trên 1.500 quan sát viên quốc tế, tăng đáng kể so với con số 685 cách đấy 6 năm.
Bối cảnh cuộc bầu cử năm nay cũng là yếu tố tạo sức hấp dẫn. Kể từ kỳ bầu cử tổng thống năm 2012, nước Nga đã trải qua nhiều biến động, thậm chí là những giai đoạn sóng gió tưởng chừng có thể xóa sạch những thành quả ấn tượng của công cuộc chấn hưng đất nước mà người dân Nga đạt được trong giai đoạn 2000-2008, hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Putin. Những năm 2014-2016 được nhắc tới như thời kỳ u ám và suy thoái trầm trọng, khi giá dầu thế giới từ mức 120 USD-thùng hồi năm 2013 xuống còn khoảng 30 USD-thùng thời điểm cuối năm 2015, trở thành cú đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga vốn quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu.
Không chỉ vậy, đồng nội tệ của Nga mất giá tới 72,2% so với đồng USD tính từ tháng 3-2014 đến tháng 12-2015. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt dồn dập của phương Tây nhằm vào Moskva càng khiến cho tình hình thêm trầm trọng. Ước tính những “cú sốc” dồn dập này khiến kinh tế Nga thiệt hại khoảng 150 tỷ USD-năm. Thất nghiệp lan rộng, thu nhập của người dân bị sụt giảm, tỉ lệ người nghèo tăng, gây ra những bất ổn xã hội không nhỏ. Tình hình chỉ được cải thiện trong hơn 1 năm trở lại đây nhờ những biện pháp kinh tế quyết liệt của chính quyền.
Đây cũng là giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây, được đánh giá là “đóng băng hơn cả thời Chiến tranh Lạnh”. Quan hệ giữa Nga và Mỹ thậm chí trong tình trạng sa sút xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Không chỉ tranh cãi và bất đồng trong nhiều vấn đề quốc tế, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp gây sức ép, cô lập, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ năm 2014 sau khi xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine và vùng lãnh thổ Crimea sáp nhập vào Nga.
Cuộc bầu cử 2018 cũng thu hút sự chú ý khi Nga liên tiếp là “mục tiêu” của những cáo buộc khác nhau mà các nước phương Tây đưa ra, dù chưa có cáo buộc nào kèm theo bằng chứng xác thực. Từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine tới tình hình xung đột tại Syria, theo tuyên truyền của phương Tây, đều có “sự can thiệp” của Nga. Các cuộc bầu cử ở phương Tây, từ Mỹ, Anh tới Pháp, Đức… đều được cho là “có bàn tay dính dáng” của Nga, thậm chí cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Washington một mực cho rằng Nga đã “thao túng” khiến ưu thế nghiêng về đương kim Tổng thống Donald Trump.
Phương Tây coi “tấn công mạng” là vũ khí chính để Nga can thiệp vào tình hình các nước. 10 ngày trước cuộc bầu cử được xem là “giai đoạn đỉnh điểm”, Anh công khai đổ lỗi cho Nga dính líu tới vụ đầu độc một điệp viên hai mang, dẫn tới các biện pháp mạnh như trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau. Mỹ và các nước EU đồng loạt thể hiện ủng hộ Anh trong vụ căng thẳng với Nga bằng một tuyên bố chung đòi Nga “phải trả lời mọi câu hỏi” liên quan, EU ngày 13-3 gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt Nga, Mỹ ngày 15-3 thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, với lý do “nghi ngờ” sự can dự của nước này vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và nhiều vụ tấn công mạng khác…
Liên hệ những động thái trên với cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018, giới phân tích cho rằng dường như đang có một “chiến dịch chống Nga” và các nước phương Tây đang liên kết với nhau trên các phương diện chính trị, kinh tế, ngoại giao… để phá hoại tiến trình bầu cử Nga. Các chuyên gia quốc tế còn chỉ ra rằng từ cuối năm, ngay sau khi đương kim Tổng thống Nga Putin tuyên bố ra trang cử, tiến trình “ngăn cản và quấy rối” của phương Tây đối với cuộc bầu cử tổng thống Nga đã bắt đầu. Từ Mỹ, Tổng thống Donald Trump công bố dự thảo ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2018, với một loạt biện pháp nhằm chống lại Nga. Đặc biệt, Chiến lược an ninh quốc gia được Tổng thống Trump công bố ngày 18-12-2017 coi Nga là một trong những “mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ hiện nay”.
Ngày 14-12-2017, EU tuyên bố một lần nữa kéo dài sự trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, với lý do là tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine chưa có tiến triển. Ngày 20-12, báo cáo tình báo và an ninh do 3 cơ quan tình báo lớn của Anh cùng thực hiện cho rằng “Nga tạo thành mối đe dọa lớn cho Anh”. Trước hàng loạt “biện pháp tấn công” nhằm vào Nga kể trên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một cuộc phỏng vấn ngày 16-3 đã phải cảnh báo rằng “đừng nghe báo chí phương Tây nói về Nga” trong những ngày này, bởi đang có một “chiến dịch làm xấu hình ảnh của nước Nga” trước bầu cử, một chiến dịch “nhào nặn” dư luận xã hội theo ý chủ quan của một số thế lực ở phương Tây.
Tất cả những yếu tố này khiến cuộc bầu cử tổng thống năm nay có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt. Nước Nga từng vượt qua “thách thức kép” giai đoạn 2014-2016 sau đợt suy giảm giá dầu và các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Từ năm 2017, kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, xã hội ổn định hơn, vai trò và ảnh hưởng của nước Nga ngày càng tăng nhờ những đóng góp đáng kể trong các vấn đề quốc tế, từ cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tới tìm giải pháp cho vấn đề Syria… Song, những khó khăn không nhỏ cả về kinh tế, xã hội lẫn đối ngoại trong thời gian tới khiến người dân Nga kỳ vọng vị tổng thống mới sẽ có đủ bản lĩnh và năng lực để đưa đất nước vượt qua chặng đường gập ghềnh phía trước, khôi phục hình ảnh một nước Nga mạnh mẽ.
Với cuộc bầu cử tổng thống ngày 18-3, người dân Nga không chỉ bỏ phiếu lựa chọn người đứng đầu đất nước, mà còn đang định đoạn đường hướng phát triển cũng như tương lai và vận mệnh của nước Nga. Ý chí và nguyện vọng của người dân Nga thể hiện trong lá phiếu bầu sẽ được vị tổng thống nhiệm kỳ 2018-2024 cụ thể hóa bằng những đường lối, chính sách phát triển đất nước ổn định và vững mạnh hơn.
Theo THANH MAI (Báo Tin Tức)