Người đàn ông Sài Gòn thương dòng kênh, tình nguyện vớt rác mỗi ngày

13/01/2021 - 08:11

Thấy ông lở loét da thịt vì trầm mình dưới dòng nước đen ngòm để vớt rác, nhiều người bảo ông ‘khùng’, làm chuyện không đâu. Thế nhưng ông mặc kệ.

Mỗi sáng, ông Cường đều ra rạch Ông Đồ chèo ghe đi vớt rác.

Trầm mình dưới dòng nước đen vớt rác

Xỏ vội đôi giày ống, ông Hồ Chí Cường (SN 1952, ngụ ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) lên chiếc xe cà tàng, đi thẳng ra rạch Ông Đồ. Từ mấy năm nay, ông cùng người cháu trai liên tục ra con rạch này dọn rác, khơi thông dòng chảy.

Ông nói, năm 2018, rạch Ông Đồ ô nhiễm nặng. Rác thải sinh hoạt hòa vào những mảng lục bình dày đặc chặn đứng dòng chảy. Rạch đọng nước, rác thải phân hủy tạo thành lớp màng dày nổi trên mặt nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Thấy vậy, chính quyền xã Bình Chánh vận động nhiều đơn vị tham gia cải tạo. Ngay lập tức, ông Cường xung phong tham gia vớt rác, khơi dòng con rạch ô nhiễm nặng.

“Cải tạo chưa được bao lâu, người dân thiếu ý thức lại xả rác xuống rạch. Dòng chảy lại bị chặn, nước rạch lại đen ngòm. Tôi thấy ô nhiễm quá nên rủ thằng cháu tình nguyện đi vớt rác”, ông Cường kể.

Trước đây, khi chưa được hỗ trợ ghe, ông và người cháu trai phải trầm mình dưới dòng nước đen ngòm như thế này để dọn rác.

Tìm được người “cùng chí hướng”, sáng sáng ông và người cháu trai cùng ra rạch Ông Đồ. Cả hai trầm mình xuống dòng nước đen bốc mùi hôi thối để vớt rác. Ông kể: “Thời điểm này, rạch ô nhiễm dữ lắm, nước đen ngòm như nhớt thải”.

“Lúc đó, tôi chưa có phương tiện gì để dọn rác, chỉ còn cách trầm mình xuống nước mà vớt từng bao nilon, hộp nhựa, thùng xốp… Sau mỗi lần như thế, tôi phải bỏ luôn bộ đồ vì không tài nào giặt sạch được. Tay chân, người tôi cũng bị nước bẩn “ăn” đến lở loét, phồng rộp hoài”, ông Cường chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, đã quyết làm gương cho những người thiếu ý thức, ông không từ bỏ công việc không lương. Mỗi sáng, ông vẫn cùng người cháu dùng lưới cá thu gom, kéo rác dưới kênh lên.

Bỏ việc nhà để trầm mình dưới nước dọn rác không công, ông Cường bị nhiều người gièm pha, chê cười.

Ông Cường kể, sau mỗi lần như thế, ông phải bỏ luôn bộ quần áo. Thậm chí, chân tay, cơ thể ông cũng bị nước bẩn "ăn" đến lở loét, phồng rộp.

Ông kể: “Nhiều người nói tôi được trả tiền nên mới đi nhặt rác, chứ ai khùng mà làm vậy. Có người còn nói tôi khùng, “rảnh hơi” nên mới đi làm cái việc không bao giờ có kết quả… Tôi kệ. Vợ con tôi hiểu và ủng hộ là được. Tôi làm việc có ích cho xã hội chứ có phải làm chuyện xấu đâu mà nghĩ ngợi”.

Bảo vệ môi trường sống

Thương ông tuổi đã cao nhưng vẫn tình nguyện vớt rác trên kênh rạch, chính quyền địa phương hỗ trợ cho ông một chiếc ghe tự chế từ ca nô cũ. Ông khoe, phương tiện này không chỉ giúp ông không phải “vứt bỏ quần áo” mà còn vớt rác nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Ông neo ghe trên rạch. Sáng sớm, ông chạy xe ra đây, gửi ở nhà người quen rồi cùng người cháu chèo ghe đi vớt rác. “Tôi chèo ghe, cháu tôi dùng cây gắp để gắp rác. Chỗ nào nhiều rác quá, nó dùng vợt gom lại, hốt bỏ vào bao. Chừng nào rác đầy ghe, chúng tôi tấp vào bờ, đưa lên xử lý”, ông Cường nói.

Thương ông nhiệt tình làm công việc thiết thực, ý nghĩa, chính quyền địa phương hỗ trợ cho ông một chiếc ghe tự chế từ ca-nô cũ.

Rác được vớt lên, ông chất đống cho khô rồi phân loại để xử lý theo những phương pháp hợp lý. Cứ vậy, ngày nào, hai chú cháu ông Cường cũng bỏ ra mấy tiếng đồng hồ đi vớt rác trên rạch Ông Đồ. Thấy chúng tôi thắc mắc nguyên nhân, ông nói ngay: “Tôi lớn tuổi rồi, làm được việc gì có ích thì làm thôi”.

“Gia đình tôi thuộc diện khó khăn ở địa phương. Vợ tôi được hội phụ nữ hỗ trợ nhiều, tôi mang ơn nên góp chút sức mọn cải tạo môi trường sống. Hơn thế, tôi muốn việc làm của mình sẽ tác động đến lớp trẻ, giúp các cháu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của mình”, ông nói thêm.

Ông Cường cho rằng, hiện nay, nhiều người vẫn chưa có ý thức về việc bảo vệ môi trường sống. Sau khi ông dọn rác xong, họ lại lén lút, thậm chí công khai vứt rác xuống kênh, rạch. Điều này khiến ông rất buồn. Tuy nhiên, ông không nản chí mà càng quyết tâm hơn.

Chiếc ghe giúp công việc vớt, dọn rác của ông trên kênh, rạch dễ dàng, an toàn hơn.

Bên cạnh đó, mỗi ngày, ngoài những giờ phải đưa, rước cháu đi học, ông Cường thường đến công viên xã, các tuyến đường, tuyến rạch trồng hoa để nhổ cỏ, tỉa cành, quét dọn và vớt rác. 

“Không phải ai cũng thiếu ý thức, chỉ là chưa có người để họ nhìn, làm theo thôi. Để làm sạch môi trường sống xung quanh mình, phải làm sạch nơi mình sống đã. Đường trước nhà tôi dơ, tôi và vợ lấy chổi ra quét. Mấy đứa nhỏ ăn bánh vứt ra đường, tôi đi lượm về... Tôi tin rằng, người ta thấy việc mình làm tốt thì bắt chước thôi. Nhiều người cùng làm như thế, môi trường sống xung quanh sẽ sạch”, ông nói thêm.

Ông chỉ trở về nhà khi đã khơi dòng, dọn sạch rác ở một đoạn kênh nhất định.

Đến nay, những việc làm thiết thực, không mệt mỏi của ông Cường đã được phần lớn người dân địa phương ghi nhận, noi theo. Người dân sinh sống 2 bên con rạch Ông Đồ cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, biết bỏ rác đúng nơi quy định.

Mới đây, ông Cường được UBND huyện Bình Chánh vinh danh bằng hình thức trao tặng giấy khen cho việc thực hiện tốt cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Theo Vietnamnet