Liên hoan Truyền hình toàn quân được tổ chức 5 năm 2 lần, trở thành ngày hội của những người làm truyền hình mặc áo lính. Năm nay, liên hoan thu hút hơn 400 tác phẩm của gần 140 cơ quan, đơn vị, bao gồm 4 thể loại: Chuyên mục, phóng sự, phim khoa giáo, phim tài liệu.
Các tác phẩm khai thác nhiều đề tài khác nhau, phản ánh sinh động góc nhìn đa chiều về tấm gương, điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng Đảng; phòng, chống “Diễn biến hòa bình”; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; công tác dân vận, chính sách, hậu phương quân đội; khắc phục hậu quả chiến tranh…
Mỗi tác phẩm có ý tưởng, chủ đề, nội dung, nhân vật, cách thể hiện và mang sắc thái riêng, nhưng đều ấp ủ tâm huyết, góp phần làm cho liên hoan thêm phong phú, hấp dẫn.
Các đơn vị nhận huy chương bạc
Đoạt huy chương bạc nội dung chuyên mục “Quốc phòng toàn dân” khi Bộ CHQS tỉnh kết cấu nội dung hoàn toàn mới lạ. Cách làm truyền thống là mở đầu bằng chuỗi tin và kết thúc bằng phóng sự dài. Ê-kíp thực hiện đã đa dạng nội dung, vừa đảm bảo tính tuyên truyền, vừa mang tính chất nhẹ nhàng ở phần cuối chuyên mục.
Công tác triển khai nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh An Giang; nâng cao kiến thức quốc phòng và an ninh cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ… được thể hiện đan xen, giúp chuyên mục thêm hấp dẫn, thu hút.
Cùng đoạt huy chương bạc là phóng sự “Mở rộng vòng tay người lính”, kể về cựu chiến binh Nguyễn Tấn Bông (ngụ xã An Hảo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Dự định sau khi xuất ngũ trở về, ông sẽ cưới vợ, xây dựng mái ấm gia đình.
Nào ngờ, cơ duyên đưa ông trở thành người cha, “người mẹ” của 13 đứa con nuôi - những đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi từ lúc đỏ hỏn. Một mình ông chăm sóc tất cả. Toàn bộ chi phí chủ yếu phụ thuộc vào huê lợi từ vườn trái cây trên núi, sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, cùng với chế độ dành cho trẻ mồ côi do địa phương hỗ trợ.
Năm nay, Bộ CHQS tỉnh An Giang lần đầu tiên tham gia nội dung phim khoa giáo. “Đối với đơn vị quân sự địa phương, đây là chủ đề rất khó, vì bắt buộc phải mang tính ứng dụng cao, được phổ biến rộng rãi trong cơ quan, đơn vị. Mà những đặc điểm trên chỉ có học viện, nhà trường quân đội mới có thể đáp ứng.
Nhưng chúng tôi vẫn quyết định thực hiện nội dung đặc thù này, từ sáng kiến cải tiến giá súng huấn luyện của nhóm tác giả đại úy Nguyễn Thái Học (Trung đoàn 892) vừa đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo” lần thứ 24 do Bộ Quốc phòng tổ chức.
Kết quả, phim khoa giáo “Giá súng huấn luyện cải tiến” được bằng khen của Tổng cục Chính trị. Phim tài liệu “Ông Đủ”, phóng sự “Người truyền lửa đam mê”, “Đảng viên dân quân tự vệ vùng Phật giáo Hòa Hảo” đều được nhận bằng khen” - thiếu tá Nguyễn Hữu Đặng (tác giả tham gia thực hiện 6 tác phẩm) chia sẻ.
Chuyên mục Quốc phòng toàn dân đoạt huy chương bạc
Gắn bó nhiều năm với lực lượng vũ trang tỉnh, đoạt rất nhiều giải thưởng báo chí về đề tài người lính, nhà báo - đạo diễn Nguyễn Xuân Giang (Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) vẫn khẳng định, mỗi lần cùng ê-kíp thực hiện nội dung tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quân là một trải nghiệm mới đối với anh. “Mọi người thường nghĩ cuộc sống của bộ đội rất khô khan.
Nhưng khi được cùng các đồng chí Tổ chuyên mục Quốc phòng Bộ CHQS tỉnh tác nghiệp, tôi rất quý. Tuy là những “nhà báo không thẻ”, họ rất chịu khó học hỏi, phát hiện đề tài rất mới… Từ những “cái lạ”, “cái mới” đó, chúng tôi cùng phát huy được hiệu quả công tác tuyên truyền, để lại ấn tượng đẹp về người lính trong lòng khán giả” - anh Xuân Giang chia sẻ.
“Năm nay là năm phát triển rực rỡ của Liên hoan Truyền hình toàn quân, khi số lượng tác phẩm dự thi cao nhất so với các kỳ liên hoan trước; là năm đầu tiên áp dụng triển lãm công nghệ truyền hình hiện đại, triển lãm ảnh tác nghiệp phong phú, triển lãm chè đặc sản Thái Nguyên” - thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Trưởng ban Giám khảo Liên hoan chia sẻ.
Chất lượng của từng tác phẩm là sự kết tinh, hội tụ của nhiều yếu tố, trước hết là sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp. Đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng, nhiệt tình, lòng say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm chính trị của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, những người trực tiếp thực hiện các chương trình truyền hình về người lính.
Thượng tá Lê Văn Sáng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang bày tỏ: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi An Giang “thắng lớn” tại liên hoan năm nay. Điều này cho thấy đội ngũ làm báo hình của lực lượng vũ trang tỉnh không chỉ đơn thuần đẩy mạnh tuyên truyền hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên phương tiện thông tin đại chúng. Hơn thế nữa, đội ngũ “nhà báo không chuyên” của Bộ CHQS tỉnh có thể tiệm cận với những công nghệ làm truyền hình hiện đại trong kỷ nguyên số như hiện nay”.
GIA KHÁNH