“Lên đời” cho lá thốt nốt
Cây thốt nốt đã gắn với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, lá thốt nốt chưa được khai thác giá trị nhiều. Từ thực tế đó, ông Võ Văn Tạng đã nảy ra ý tưởng cho ra đời những bức tranh bằng lá thốt nốt để tăng thêm thu nhập cho nông dân, tạo điểm nhấn cho cho du lịch của tỉnh. Dòng tranh thốt nốt có mặt trên thị trường từ năm 2003.
Cơ sở tranh lá thốt nốt của ông Võ Văn Tạng tất bật trong dịp cận Tết
Nghệ nhân Võ Văn Tạng cho biết, lá thốt nốt rất bền, tuổi thọ có thể lên đến cả trăm năm, không bị mối mọt, nên ông chọn để làm chất liệu vẽ tranh. Để hoàn thiện một bức tranh thốt nốt, phải qua nhiều công đoạn. Lá được chọn phải là lá còn non, để sau khi phơi khô sẽ có màu trắng ngà đặc trưng, sau đó cắt thành từng thanh nhỏ, với kích thước đều nhau rồi dán lên giấy cứng.
Sự công phu làm nên nét độc đáo của tranh lá thốt nốt là ở chỗ không dùng sơn, màu. Bằng cách dùng bút điện (bút lửa) nhấn nhá đường nét liên tục trên nền tranh sẽ tạo thành những nét đậm, nhạt; màu vàng, nâu, đen khác nhau. Độ màu được điều chỉnh hợp lý tạo nên những chi tiết sống động, mang phong cách tranh thủy mặc thật ấn tượng. Tranh vẽ xong được đánh bóng bằng loại dầu bảo vệ lá rồi đóng khung, giao cho khách hàng.
Quà Tết ý nghĩa
Thời gian gần đây, nghệ nhân Võ Văn Tạng còn nghiên cứu, phát triển thêm các dòng tranh từ cát và vỏ trấu. Ông dự đoán nguyên liệu từ lá thốt nốt sẽ ngày một khan hiếm, trong khi lá để làm tranh phải lấy từ cây có trên 20 năm tuổi. Sau khi tham khảo tài liệu với nhiều loại nguyên liệu khác nhau, ông đã chọn vỏ trấu vàng và cát để thử nghiệm.
Theo ông Tạng, đối với tranh vỏ trấu, nguyên liệu vỏ trấu được sàng lọc, xay nhuyễn, sau đó đắp trên tấm giấy cứng để làm chất liệu vẽ. Đối với tranh cát cũng làm tương tự, dùng cát trộn với keo rồi phủ lên giấy vẽ. Tuy nhiên, phương pháp vẽ đối với 2 dòng tranh này có chút khác nhau. Tranh vỏ trấu dùng bút lửa tạo nét rồi tiến hành tô màu. Đối đối với tranh cát thì trực tiếp vẽ và tô màu mà không cần qua giai đoạn tạo nét. Do đó, 2 loại tranh này có màu sắc sinh động hơn, nhưng giá thành không khác biệt so với tranh thốt nốt.
Phòng tranh của ông Tạng đang nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Nội dung được thể hiệu chủ yếu là: Phong cảnh, quê hương, con người An Giang; tranh Bác Hồ, Bác Tôn; tranh phong thủy với chủ đề mã đáo thành công, thuận buồm xuôi gió, tranh thư pháp…
Ngoài ra, khách hàng có thể gửi ảnh chân dung của mình để các nghệ nhân vẽ lại. Do đây là dòng tranh đặc biệt nên ông chỉ làm theo đơn hàng chứ không sản xuất đại trà. Các loại tranh với nội dung phong phú, nét vẽ tinh tế nên rất thích hợp để làm quà cho bạn bè, người thân, các cơ quan, đơn vị… trong dịp Tết đến, Xuân về.
“Dù trên những chất liệu tranh khác nhau nhưng giá vẫn tương đương. Giá lá thốt nốt hiện nay tăng cao so với những năm trước; trấu dễ tìm nhưng phải qua nhiều công đoạn xử lý nên mất nhiều thời gian; trong khi đó, cát khó xử lý hơn. Do đó, 3 loại tranh này có giá tương đương, từ 650.000 đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm, tùy theo kích thước tranh” - ông Tạng chia sẻ.
Hiện nay, cơ sở tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Tâm huyết về dòng tranh lá thốt nốt, nghệ nhân Võ Văn Tạng đang truyền nghề, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ tại địa phương để lưu giữ những nét đẹp của quê hương, đất nước và con người Việt Nam, cũng như trên thế giới.
ĐỨC TOÀN