Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Tìm chốn cội nguồn nghỉ ngơi

07/07/2023 - 08:14

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một khuôn mặt thi ca quen thuộc với công chúng, đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 5 giờ ngày 6-7 tại TP HCM, hưởng thọ 75 tuổi

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vài năm gần đây mắc bệnh Alzheimer, được con gái đưa từ Huế vào TP HCM cư ngụ để thuận tiện thăm nom.

Sáng danh với "Khoảng trời, hố bom"

Trí nhớ rời bỏ bà, rồi bà cũng rời bỏ cõi trần, như chính câu thơ bà đã viết "Khóc ta hạt bụi vô thường/ mai kia tìm chốn cội nguồn nghỉ ngơi". Thế nhưng, có thể chắc chắn một điều, nhiều tác phẩm của bà vẫn ở lại với độc giả hôm nay và ngày mai.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Một trong những bài thơ đầu tiên của bà là "Ý nghĩ" đã hé lộ một giọng điệu đằm thắm giữa giai đoạn thi ca chống Mỹ nhiều thanh âm hùng tráng: "Những cơn mưa/ Quen mà rất lạ/ Mưa chải dài cây lá/ Đọng ngấn tròn bâng khuâng/ Mưa đi đâu về đâu/ Chẳng ai biết nữa/ Chỉ biết sau cơn mưa/ Trời không còn vôi vữa/ Chỉ biết sau cơn mưa/ Mặt đất thành mới mẻ/ Con gà đi nhặt thóc/ Nắng lại vàng trên đồng/ Cây đâm chồi nẩy lộc/ Cát nhìn thêm mênh mông".

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua nét vẽ của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen

Tuy nhiên, để nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thành danh chính là chùm thơ 4 bài đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1972-1973, trong đó có bài thơ "Khoảng trời, hố bom" được nhiều người yêu thích: "Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Đất nước mình nhân hậu/ Lấy nước trời xoa dịu vết thương đau/ Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức/ Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi/ Ngày hôm nay bước tiếp chặng đường dài".

Hàn gắn yêu thương

Bài thơ "Khoảng trời, hố bom" làm nên thương hiệu Lâm Thị Mỹ Dạ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, bởi tinh thần vượt lên sự khốc liệt bằng sự cao đẹp cũng hiển lộ trong nhiều bài thơ khác của bà. Ví dụ, bài thơ "Một cuộc đời âm vang" viết về một nữ anh hùng: "Đất gầm lên rồi đất bỗng im lìm/ Chiếc hầm nổ tung, chị vỡ thành ánh sáng/ Máu xương chị đất đai tỏa rạng" hoặc bài thơ "Chuyện một cô bảo mẫu" nơi giao tranh gay gắt: "Tôi chạy về với các em lòng như lửa cháy/ Mắt trong veo, các em ngồi đấy/ Ôi bầy chim nhỏ của tôi/ Chiến tranh còn là còn trẻ mồ côi".

Thấm thía nỗi đau chiến tranh, trái tim ấm áp của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ càng rộng mở trong hòa bình với mong mỏi hàn gắn tình yêu thương giữa con người với con người. Có dịp đến Mỹ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết bài thơ "Bức tường đen" chia sẻ với 580.000 lính Mỹ tử trận tại Việt Nam: "Bức tường đen - Những linh hồn chết/ Bức tường đen - Những con người/ Những cuộc đời/ đã biến thành khói/ đã biến thành bụi/ đã biến thành gió/ đã biến thành sương/ đã biến thành vết thương/ Trong ngực bà - người mẹ Mỹ…/ Tôi đã đến đây bằng trái tim người mẹ/ Khóc cùng người mẹ Mỹ mất con/ Ở đây chỉ có một màu đêm/ Những bình minh đã chết/ Tuổi trẻ đầu xanh đã chết/ Cái ác, sự ngộ nhận, niềm thơ ngây đã chết/ Những tâm hồn tắt lặng…/ Nhưng/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Bức tường đen như một vết thương/ Nằm im lặng giữa lòng nước Mỹ/ Nhức nhối/ Không bao giờ thành sẹo".

Một số tác phẩm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: TƯ LIỆU

Ở các tập thơ "Hái tuổi em đầy tay", "Đề tặng một giấc mơ", "Hồn đầy hoa cúc dại"..., thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhiều trăn trở và băn khoăn hơn. Lắm lúc bà thảng thốt "Đời sống chật chội ơi/ Hạnh phúc dịu dàng ơi/ Thời gian một đời người không lặp lại/ Một ngày ta dần mất ta/ Từng chút, từng chút một" và lắm lúc bà trầm tư "Ước gì ta được là sông/ Để ra đến biển là không còn mình".

Thế nhưng, yếu tố làm nên phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là ánh mắt hồn nhiên luôn ngỡ ngàng trước sự sống sinh động: "Nhìn lá/ Cứ ngỡ là lá ngọt/ Bởi lá tơ non mơn mởn quá chừng", giúp cái cụ thể trở thành nồng nàn: "Ăn với nhau một que kem/ Mùa đông tan ra đầu lưỡi", giúp cái tình cờ có màu sắc xao xuyến: "Đất như cô gái yêu/ Giấu bao điều chưa nói/ Bỗng nhú những mầm non/ Khi nghe mùa xuân gọi" và giúp cái dĩ vãng được cơ hội hồi sinh: "Bây chừ xa lắc buổi chợ mai/ Tuổi đã nghiêng chiều tóc đã phai/ Hỡi người bán quạt, giờ thiên cổ/ Sao gió trong tôi cứ thổi hoài".

Phải sống thật với chính mình

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng chồng là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đều được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Đồng hành bên đấng lang quân tài hoa, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng gánh vác không ít thiệt thòi: "Trái tim có mấy phần buồn/ Mấy phần vui sướng, nhớ thương mấy phần/ Phần yêu em gửi cho anh/ Còn phần hy vọng em dành cho con".

Năm 1998, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị đột quỵ, bà đã buông bỏ hết mọi thú vui sáng tạo để tận tụy chữa chạy và chăm sóc cho chồng. Bà tự nhủ: "Rồi cỏ sẽ xanh trên tên tuổi chúng ta/ Dòng sông sương mù trôi mãi/ Những tứ thơ không bao giờ trở lại/ Tôi đã ném đi rồi qua cửa sổ đời tôi".

Sinh thời, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ quan niệm: "Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường, thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết.

Vì vậy, có được một bài thơ hay vô cùng khó. Muốn có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình".

Và bà đã chứng minh bằng tháng ngày vượt qua không ít bẽ bàng, đã vượt qua không ít buồn thương để sống và viết những câu thơ hội đủ phẩm chất một người đàn bà đức hạnh: "Thơ như máu thắm/ Tan vào hư vô/ Đời bao phúc họa/ Gieo gặt bất ngờ/ Mỏi không thể nghỉ/ Mệt không thể kêu/ Người im như bóng/ Tôi về với tôi/ May có đứa trẻ/ Còn ở trong hồn/ Cái nhìn xanh biếc/ Lung linh cội nguồn/ Trái tim thơ dại/ Tôi về với tôi".

Bây giờ, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã xuôi tay về miền mây trắng, gửi lại cho dương gian một chân dung run rủi xa vắng: “Ôi trái tim/ Sao em lại mang dáng lưỡi cày/ Để suốt đời không bao giờ yên ổn/ Để suốt đời cày lên/ Cày lên/ Đớn đau và hạnh phúc”.

Theo Người lao động