Phát thông báo hồi tháng 5/2023, thông tin hỗ trợ dành cho công nhân từ nhà trọ Hoàng Bách - Trung Kiên được chia sẻ và có rất nhiều NLĐ liên hệ. Chủ trọ là anh Nguyễn Tấn Trượng và chị Nguyễn Thị Ngọc Thi. Cả 2 đều làm việc tại Công ty TNHH An Giang Samho và anh Trượng đang là Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Trước đó, thấy tình hình công ty sản xuất khó khăn, anh Trượng bàn với vợ giúp đỡ một số công nhân của công ty vào ở trọ miễn phí hoặc giảm giá 50%, số lượng dự kiến 4 phòng.
Tuy nhiên, tình hình các doanh nghiệp ngành may mặc đều khó khăn như nhau. Sau khi nhận hồ sơ có xác nhận của đơn vị và địa phương, anh Trượng đã nhận công nhân vào ở 3 phòng, trợ giá 50% chi phí thuê hàng tháng. Ngoài ra, có 1 trường hợp là anh Dương Văn Thừa (ngụ khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn), thuộc diện hộ nghèo được ở miễn phí trong 3 tháng, do đang chờ việc nên chưa đến ở.
Những hoàn cảnh công nhân gặp khó khăn tìm đến đăng ký khá nhiều, trong khi khả năng có hạn, anh Trượng cho biết tùy theo tình hình sẽ tăng thêm số phòng hỗ trợ cho NLĐ, không kể là công nhân ở công ty nào, nếu họ quá khó khăn anh sẽ giúp hết lòng.
Dẫn chúng tôi tham quan dãy trọ, anh Trượng cho hay, cả khu gồm 20 phòng vừa xây dựng hơn 1 năm nên còn rất mới, sạch sẽ và an ninh. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thi (vợ anh Trượng) cho hay, từ ngày 4/5, giá mỗi kWh điện tăng 3% (chưa gồm thuế VAT). Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, anh chị quyết định giữ nguyên giá cũ khi tính tiền thuê tháng cho công nhân.
“Bình quân 1 phòng trọ tại đây tốn chi phí khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng (gồm điện, nước), chủ yếu là có chỗ để nghỉ ngơi sau giờ làm việc nên mức tiêu thụ điện, nước không là bao. Giá điện tại đây khoảng 3.000 đồng/kWh, nước khoảng 8.000 đồng/m3, so mặt bằng chung các nhà trọ lân cận thì tiền điện khoảng 4.000 đồng/kWh và nước 10.000 đồng/m3. Mình đã quyết định miễn giảm giá thuê cho NLĐ trong thời điểm khó khăn thì không có lý nào lại tăng thêm chi phí trong lúc này. Mỗi ngày vài ngàn đồng là con số nhỏ, nhưng tính ra tháng là khoản chi phí đáng lo của công nhân, vì ai cũng "thắt lưng, buộc bụng", dè sẻn từng khoản chi phí trong tình hình khó khăn chung” - chị Ngọc Thi chia sẻ.
Với những người vào ở trọ, không riêng công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết anh Trượng đều nắm rõ tình hình. Chẳng hạn tháng trước có đôi vợ chồng cùng làm công nhân trong 1 công ty thủy sản ở thị trấn An Châu (huyện Châu Thành), do giảm việc, thu nhập không đủ trang trải đã phải nghỉ việc về quê.
Nhắc đến những trường hợp như vậy, anh không khỏi trăn trở. Với những người còn bám trụ công ty, từ thời điểm xảy ra khó khăn, xe bus đưa đón công nhân đã ngừng hoạt động, phát sinh thêm chi phí đi lại. Anh Trượng thường xuyên đến thăm, chủ yếu là nắm tình hình gia cảnh của họ xem khó khăn như thế nào, trong khả năng, việc gì có thể hỗ trợ, anh chị luôn nhiệt tình giúp đỡ.
Anh Lê Thanh Nhàn (công nhân Công ty TNHH An Giang Samho) là một trong số trường hợp được thuê phòng trợ giá 50%. Anh Nhàn cho biết, nhà ở xã Vĩnh Hanh, mới vào công ty làm việc hơn 1 năm. Thời gian gần đây, anh được sắp xếp làm việc ca đêm, thấy có phần bất tiện nên đã quyết định ở trọ.
May mắn khi biết nhà trọ của anh Trượng hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, anh nộp hồ sơ và đạt yêu cầu. Gia đình anh Nhàn sống ở quê, vợ đang có con nhỏ, chỉ có anh là lao động chính, thu nhập vừa đủ sống chứ không dư… nên được giảm bớt chi phí thuê phòng trong lúc này anh rất mừng.
Trường hợp khác là anh Trương Văn Quý Em và vợ (Trương Thị Cẩm Tiên), nhà ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn được ở thuê phòng trợ giá 50%. Vợ chồng đều làm việc trong Công ty TNHH may mặc Lu An và tuổi đời còn khá trẻ. Chị đang mang thai tháng thứ 8, ưu tiên nhất là có chỗ ở gần công ty. Để trang trải thêm trong sinh hoạt của gia đình nhỏ, nhiều tháng nay, chị tận dụng thời gian ở nhà bán hàng online đủ các sản phẩm.
Chị Tiên cho hay, nhờ có chỗ trọ, việc đi lại đỡ phần vất vả và được nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Tại công ty chị đang làm, tình hình sản xuất tạm ổn, công nhân làm đủ các ngày trong tuần, hàng tháng trừ chi phí, 2 vợ chồng có thể tiết kiệm được 3 - 4 triệu đồng.
Mỗi căn phòng ở nhà trọ Hoàng Bách - Trung Kiên có diện tích 15m2, thiết kế thêm gác lửng, tận dụng không gian để chứa đồ đạc và sinh hoạt thoải mái hơn. “Theo kế hoạch, đến tháng 9, công ty có đơn hàng ổn định hơn, nên trước mắt khoảng 3 tháng (6, 7, 8) nhà trọ sẽ trợ giá cho công nhân hoàn cảnh khó khăn vào ở. Nếu tình hình kéo dài, nhà trọ tiếp tục hỗ trợ cho công nhân để họ có điều kiện tiếp tục bám trụ công việc. Hiện nay, tình hình các công ty nói chung đều gặp khó, phần lớn đều sắp xếp cho công nhân tạm hoãn, làm việc luân phiên. Chúng tôi chỉ mong đợi giai đoạn cuối năm sẽ có những tín hiệu khởi sắc hơn” - anh Trượng thông tin.
Khảo sát quanh Khu công nghiệp Bình Hòa, mức giá bình quân thuê phòng trọ cho công nhân khoảng 1 triệu đồng/tháng trở lại. Với nhiều người, chi phí này không quá cao, nhưng với công nhân đang giãn việc, tạm hoãn việc làm, lại trong hoàn cảnh khó khăn… là số tiền đáng kể. Nhờ chia sẻ kịp thời của gia đình anh Trượng, nhiều hoàn cảnh đã được hỗ trợ để tiếp tục gắn bó với công việc.
MỸ HẠNH