Nhà văn Di Li mạnh dạn gọi tên 48 tật xấu của người Việt trong sách mới

07/12/2023 - 09:00

Mạnh dạn gọi tên 48 tật xấu của người Việt, nhà văn nữ Di Li cho hay chị sẵn sàng nhận "gạch đá" vì đây là đề tài dễ gây tranh cãi, động chạm đến nhiều người.

Cuốn sách chỉ ra 48 tật xấu của người Việt trong xã hội hiện đại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cuốn sách chỉ ra 48 tật xấu của người Việt trong xã hội hiện đại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thích đổ lỗi, lười cảm ơn, “chê vùi dập-khen bốc giời,” trọng nam khinh nữ, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, thích thành tích, “sính” bằng cấp, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, lãng phí…

Đó là những cách hành xử chưa đẹp của người Việt được nhà văn nữ Di Li chỉ mặt, đặt tên trong cuốn sách mới “Tật xấu người Việt” ra mắt ngày 6/12 tại Hà Nội.

Sách gồm 48 câu chuyện, được hình thành trong quãng thời gian 15 năm nghiên cứu của tác giả.

Di Li biết trước rằng cuốn sách này sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể “định lượng” nên sẽ không bao giờ có đáp số chung. Hơn nữa, khi đưa ra những quan điểm “động chạm” đến nhiều người, rất có thể tác giả sẽ gây chạnh lòng.

Song, Di Li cho hay chị thực tâm mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí, bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được tôi nghiên cứu trong suốt thời gian dài về tính cách của dân tộc Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt.

dili-2425.jpg

Nữ nhà văn Di Li đã xuất bản 27 cuốn sách đa dạng thể loại. (Ảnh: NVCC)

“Nghiên cứu về tính cách của cả một dân tộc có bề dày lịch sử hơn 4.000 năm là một công việc không đơn giản, ngay cả với một tập thể chuyên môn. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ góp một ý kiến, một góc nhìn, thể hiện niềm yêu thương, gắn kết với văn hóa, lịch sử và con người ở mảnh đất mà tôi không thể rời xa,” nhà văn bày tỏ.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà báo Yên Ba cho rằng đây là tác phẩm tập hợp hết những tính cách mà người ta kiêng kị không nói đến một cách công khai, lại càng tránh tập trung chúng vào một chỗ.

“Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Nhưng tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt, ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành,” nhà báo Yên Ba nhận xét.

“Nụ hôn thành Rome” vừa có vẻ “tưng tửng” của kẻ thích xê dịch, vừa có sự tinh tế của một cây bút chuyên nghiệp, lại có cái lắng sâu của một người đàn bà sắc sảo.

Theo nhà báo Yên Ba, viết về tật xấu của con người mà không sa vào cay nghiệt, hả hê, để người đọc dừng lại trên trang sách mà ngẫm ngợi, tác giả phải đủ nhân hậu, đủ day dứt để cảm thông và tha thứ cho những thói hư tật xấu của con người nói chung và của chính mình nói riêng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cảm thấy thú vị bởi ông bắt gặp nhiều phần tính xấu của mình và của những người xung quanh ở trong cuốn sách này.

Ông cho rằng nhà văn Di Li viết cuốn sách này như một cách tự răn bản thân mình, để mỗi ngày bớt đi được một tật xấu. Đó cũng là cảm xúc của ông khi đọc sách: “Tôi tự nhận ra những tật xấu của mình để rút ra những bài học và cố gắng sửa chữa những tật xấu đó.”

Tác phẩm này nằm trong bộ hai cuốn sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại. Cuốn thứ hai (chưa phát hành) sẽ tìm hiểu về “Tính tốt người Việt.” Như vậy, Di Li sẽ là tác giả đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hoàn chỉnh nhất về hai khía cạnh tính cách của dân tộc mình./.

Theo Vietnam+