Một công chức tại Yokosuka sử dụng ChatGPT tại tòa thị chính. Ảnh: Kyodo
Tờ Japan Times đưa tin khoảng 4.000 nhân viên tại văn phòng chính quyền thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng ChatGPT trong một tháng nhằm nỗ lực cải thiện hoạt động của cơ quan công quyền địa phương.
ChatGPT là công cụ trò chuyện (chatbot) trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty Mỹ có tên OpenAI phát triển và ra mắt vào cuối năm 2022. Người dùng có thể tận dụng chatbot này để sáng tạo thơ, bài báo, truyện ngắn hay các các dạng văn bản khác.
Đại diện quan hệ công chúng của Cơ quan quản lý điện tử của Yokosuka – ông Takayuki Samukawa nhận định: “Dân số ngày càng giảm, số lượng nhân viên có hạn và còn nhiều thách thức về quản lý. Do đó, chúng tôi hướng đến sử dụng công cụ công nghệ thông tin và truyền thông như ChatGPT để có thể giải phóng nguồn nhân lực tập trung vào những công việc chỉ có thể thực hiện theo hình thức giữa người với người”.
Ông Samukawa cho biết một nhóm đã được tập hợp để nghiên cứu phương thức ChatGPT có thể mang lại lợi ích cho thành phố. Trong thời gian thử nghiệm, thành phố Yokosuka hy vọng sẽ sử dụng công cụ này để hỗ trợ các nhiệm vụ như tóm tắt, tạo các ý tưởng, soạn thảo văn bản hành chính cơ bản và kiểm tra lỗi chính tả.
Tuy nhiên, cũng có lo ngại về vấn đề an ninh liên quan đến sử dụng chatbot. Về điều này, ông Samukawa đảm bảo rằng Yokosuka dự định sử dụng ChatGPT tuân thủ theo chính sách an ninh điển hình của OpenAI.
Động thái này diễn ra sau khi CEO của OpenAI Sam Altman đến thăm Nhật Bản. Ông Altman còn gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào đầu tháng này. Ông Altman tuyên bố OpenAI sẽ hướng đến mở một văn phòng tại Nhật Bản trong tương lai gần.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết sau khi xử lý các lo ngại về an ninh, chính phủ sẽ tìm cách “sử dụng AI để giảm khối lượng công việc của các công chức quốc gia”. Trước đó vài ngày, Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono cũng đề cập đến tiềm năng sử dụng AI cho các công việc hành chính của chính phủ.
Biểu tượng OpenAI và ChatGPT. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Samukawa nhấn mạnh thành phố không có ý định làm gương cho các chính quyền địa phương khác trên khắp Nhật Bản về việc sử dụng ChatGPT. Ông nói: “Nó tùy thuộc vào từng thành phố để cân nhắc cách họ có thể sử dụng những công cụ này như thế nào”.
Dân số già hóa của Nhật Bản đã giảm trong nhiều năm. Lãnh đạo nước này gần đây cảnh báo rằng Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”. Thành phố Yokosuka cũng không phải ngoại lệ. Theo trang web của chính phủ, dân số 376.171 người của Yokosuka dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Tính đến ngày 1/10/2022, dân số Nhật Bản là 124.947.000 người, giảm 556.000 người so với một năm trước đó và năm 2022 là năm thứ 12 liên tiếp dân số nước này giảm. Báo cáo công bố ngày 12/4 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cũng cho thấy số công dân Nhật Bản giảm 750.000 xuống 122.031.000 người - mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu này được thống kê vào năm 1950.
Thông cáo báo chí của Yokosuka cho biết các lãnh đạo thành phố đặt nhiều kỳ vọng vào việc triển khai ChatGPT.
Ở cuối thông cáo này, có một đoạn mang nội dung: “Bản phát hành này do ChatGPT soạn thảo và được các nhân viên của chúng tôi hiệu đính”.
Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)