Nhật Bản, Hàn Quốc hoan nghênh Mỹ và Nga gia hạn Hiệp ước New START

04/02/2021 - 13:40

Nhật Bản ngày 4-2 hoan nghênh việc Mỹ và Nga gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi gọi đây là “bước tiến quan trọng” trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tàu khu trục USS Monterey phóng tên lửa tấn công Tomahawk. Ảnh: AFP-TTXVN

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Motegi nói: “Nhật Bản hy vọng bước tiến này sẽ giúp phát triển một cơ chế kiểm soát vũ khí rộng hơn, không chỉ có Mỹ và Nga mà cả các nước khác và bao trùm thêm nhiều hệ thống vũ khí”. Ngoại trưởng Motegi khẳng định, với tư cách là quốc gia duy nhất hứng chịu bom nguyên tử trong chiến tranh, với sự hợp tác của chính quyền Mỹ, Nhật Bản “sẽ không bỏ lỡ bất kỳ nỗ lực nào nhằm kiên định hướng tới hiện thực hóa” một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Cùng ngày 4-2, Hàn Quốc cũng lên tiếng hoan nghênh việc gia hạn Hiệp ước New START, bày tỏ kỳ vọng rằng điều này sẽ góp phần duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu. Trong một thông cáo báo chí,  Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Đánh giá của chính phủ chúng tôi là thỏa thuận này sẽ góp phần củng cố cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu dựa trên Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cũng như góp phần vì hòa bình và ổn định toàn cầu". Seoul kỳ vọng rằng dựa trên thỏa thuận này, các quốc gia sẽ đạt được tiến triển trong các cuộc thảo luận về xây dựng cơ chế kiểm soát vũ khí có lợi cho môi trường an ninh quốc tế mới.

Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết việc gia hạn Hiệp ước New START sẽ cho các bên có "thời gian và không gian" để thảo luận các vấn đề rộng hơn về ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí.

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Theo hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. New START đã được thực thi từ năm 2011 và dự kiến hết hạn vào ngày 5-2. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 26-1 và đạt thỏa thuận về việc kéo dài New START thêm 5 năm, đến ngày 5-2-2026. Theo đó, hai bên sẽ hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết để đảm bảo cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng này tiếp tục có hiệu quả đối với việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên. Ngày 29-1, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước New START, đến ngày 3-2, đến lượt Mỹ thông báo đã gia hạn 5 năm hiệp ước này.

Theo BÍCH LIÊN (Báo Tin Tức)