CNN trích số liệu của 2 cơ quan theo dõi khí hậu của Mỹ và châu Âu cho hay, trong 3 ngày liên tiếp (ngày mùng 3, 4, 5 của tháng 7) nhiệt độ toàn cầu đã phá vỡ kỷ lục về ngày ấm nhất trên Trái Đất trong lịch sử đo đạc tính từ năm 1979.
Cụ thể, vào ngày 3/7/2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C, cao nhất trong dữ liệu của Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ, tính từ năm 1979. Vào ngày 4/7/2023, nhiệt độ còn tăng cao hơn nữa, đạt 17,18 độ C và nhiệt độ toàn cầu vẫn giữ nguyên ở mức cao kỷ lục này vào ngày 5/7/2023.
Kỷ lục nóng trước đó là 16,92 độ C được thiết lập vào tháng 8/2016.
Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu (EU) đã xác nhận rằng nhiệt độ toàn cầu vào ngày 3 và 4/7 cũng phá vỡ kỷ lục nóng trong dữ liệu của họ, có từ năm 1940.
Sẽ còn nóng hơn nữa?
Kỷ lục 3 ngày nóng liên tiếp của tuần đầu tháng 7/2023 có lẽ là kỷ lục nóng nhất trong "ít nhất 100.000 năm" - Jennifer Francis, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell, nói với CNN. Bà gọi kỷ lục này là "một vấn đề lớn".
Các chuyên gia cảnh báo rằng kỷ lục này có thể bị phá thêm vài lần nữa trong năm 2023. Robert Rohde, nhà khoa học hàng đầu tại tổ chức Berkeley Earth (Mỹ), cho biết "thế giới có thể sẽ thấy một vài ngày thậm chí còn nóng hơn nữa trong 6 tuần tới đây".
Ảnh minh họa: Getty Images
Kỷ lục toàn cầu này là một dấu hiệu khác cho thấy thế giới đang nóng lên nhanh như thế nào. Sự xuất hiện của hiện tượng khí hậu tự nhiên El Nino đang chồng lên biến đổi khí hậu để đẩy nhiệt độ lên cao hơn.
Mặc dù các bản ghi nhiệt độ toàn cầu này dựa trên các tập dữ liệu có từ giữa thế kỷ 20, nhưng chúng gần như chắc chắn là kỷ lục nóng nhất mà hành tinh từng thấy trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều, dựa trên những gì chúng ta biết được từ khí hậu trong nhiều thiên niên kỷ. Dữ liệu được trích xuất từ lõi băng và rạn san hô trên toàn cầu, các nhà khoa học cho biết.
Live Science cho hay, mặc dù những nhiệt độ này có vẻ không đặc biệt cao, nhưng chúng đại diện cho mức trung bình toàn cầu, kết hợp các phép đo từ cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu, nơi hiện đang là mùa đông.
Các chuyên gia cho biết, mức nhiệt cao kỷ lục kéo dài liên tục 3 ngày có thể được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu, cũng như sự xuất hiện của El Nino - một kiểu khí hậu đặc trưng bởi nhiệt độ bề mặt nước biển ấm áp xung quanh đường xích đạo về phía bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ.
El Nino xuất hiện có thể thay đổi điều kiện khí quyển đủ để tăng cường sóng nhiệt trên khắp thế giới.
Kim Cobb, nhà khoa học khí hậu tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), nói với Live Science: "Hãy nhớ rằng Thái Bình Dương bao phủ gần một nửa hành tinh. Khi một sự kiện El Nino xuất hiện, điều này có nghĩa là một phần rất lớn của hành tinh đang đẩy nhiệt độ cao hơn mức trung bình toàn cầu".
Bộ phân tích khí hậu lấy dữ liệu từ các công cụ đo lường khí quyển, quan sát bề mặt và vệ tinh để ước tính nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho hay, tháng 7/2023 không phải là tháng duy nhất phá kỷ lục: C3S cho hay, tháng 6/2023 lập kỷ lục nóng nhất từng được ghi nhận, trung bình ấm hơn 0,2 độ C so với tháng 6/2022.
Hậu quả tàn khốc
Năm 2023 đang chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ trên khắp thế giới, với những hậu quả tàn khốc.
Ảnh minh họa: Internet
Tại Mỹ, các đợt nắng nóng nguy hiểm và độ ẩm cực cao đã hoành hành ở các bang miền Đông Nam Mỹ vào cuối tháng 6, cũng như bang Texas, nơi có ít nhất 13 người chết vì các bệnh liên quan đến nhiệt, theo The Associated Press.
Nhiệt độ tăng cao ở Mexico đã khiến ít nhất 112 người tử vong kể từ tháng 3/2023.
Một đợt nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ đã làm ít nhất 44 người tử vong trên khắp bang Bihar.
Trung Quốc cũng đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt và ghi nhận số ngày nắng nóng cao nhất - nơi nhiệt độ tối đa hàng ngày vượt quá 35 độ C - trong khoảng thời gian sáu tháng kể từ khi bắt đầu ghi nhận.
Vương quốc Anh ghi nhận tháng 6 (của năm 2023) nóng nhất kể từ khi đo đạc vào năm 1884, theo Met Office.
Các nhà khoa học dự đoán rằng sóng nhiệt biển liên quan đến El Ninõ có thể tàn phá quần thể cá và san hô, tương tự như sự kiện El Ninõ năm 2016, gây ra sự kiện tẩy trắng san hô lớn nhất toàn cầu được ghi nhận.
"Bên cạnh sự biến đổi tự nhiên, sự nóng lên của bầu khí quyển Trái Đất do biến đổi khí hậu nhân tạo đã thúc đẩy khả năng đạt đến nhiệt độ cao kỷ lục" - Paul Davies, thành viên chính và nhà khí tượng học trưởng của Met Office, cho biết.
Khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, các nhà khoa học nhận thấy rõ ràng rằng những đợt nắng nóng kỷ lục sẽ trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi khí hậu và Môi trường Grantham nói với CNN: "Kỷ lục nhiệt độ trung bình toàn cầu mới là một hồi chuông cảnh tỉnh. Nó chỉ cho thấy rằng chúng ta phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, không phải trong nhiều thập kỷ nữa, mà ngay bây giờ. Đối với số ít, nó chỉ là một con số, nhưng đối với nhiều người và hệ sinh thái, đó là sự mất mát về sinh mạng và sinh kế".
Theo Tổ Quốc