Diễn đàn an ninh toàn cầu 2019 (Globsec 2019) diễn ra trong 3 ngày từ mùng 6 đến 8-6 tại thủ đô Bratislava của Slovakia đã đề cập tới nhiều chủ đề nóng của khu vực và toàn cầu như làm thế nào để giải quyết quá trình Anh chia tay Liên minh châu Âu trong trật tự (Brexit), thách thức với EU sau cuộc bầu cử Nghị viện vừa qua, và khả năng gia nhập EU của các nước khu vực tây Balkans.
Diễn đàn Globsec 2019. Ảnh: Spectator.
Brexit là chủ đề thu hút sự quan tâm của những người tham dự diễn đàn, bởi quá trình chia tay của nước Anh vẫn đặt ra nhiều câu hỏi cần phải giải đáp. Dường như không có cơ hội để đàm phán lại thỏa thuận này, nhưng các chuyên gia cho rằng Liên minh châu Âu (EU) và Anh vẫn có thể đàm phán lại mối quan hệ song phương trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và hợp tác đa phương.
Tại phiên thảo luận nhóm về Brexit, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak cho rằng Brexit hiện chưa gây mối đe dọa nào đối với EU, nhưng quá trình này không nên để kéo dài lâu.
“Tính cho tới thời điểm này Brexit thể hiện sự thống nhất cao của châu Âu. Điều quan trọng là chúng ta phải giữ cho được sự thống nhất này cho tới khi quá trình kết thúc, nhưng cũng không nên để quá trình này kéo dài vô hạn định. Nếu Brexit mà không giải quyết được thì chúng ta cũng không thể giải quyết được các vấn đề khác”.
Còn nhà đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu Michel Barnier thì nói rằng biên giới Ireland vẫn là vấn đề gây cản trở lớn nhất đối với quá trình Brexit. “Tôi cần làm rõ một điểm, vấn đề mà Brexit tạo ra nằm ở chính chỗ đó chứ không phải vấn đề nào khác. Sự ổn định không phải là vấn đề của hàng hóa hay hải quan, mà là vấn đề người dân ở Ireland, ở cả hai phía. Trong bất kỳ tình huống nào thì một thủ tướng mới của Anh cũng sẽ không thay đổi được vấn đề, nhưng sẽ phải là người có trách nhiệm giải quyết nó”, ông Michel Barnier nói.
Theo hai diễn giả, cách tốt nhất đối với nước Anh rời khỏi EU chính là thông qua thỏa thuận Brexit đạt được tháng 11/2018. Tuy nhiên họ nhấn mạnh nếu nước Anh lựa chọn một Brexit cứng thì quyết định đó cũng nên được tôn trọng. Bên cạnh đó, hai diễn giả cũng cho rằng hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn trong EU không nên gây nguy hiểm cho quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và vai trò hàng đầu của NATO trong phòng thủ tập thể.
Trong một cuộc thảo luận nhóm về thách thức đối với EU trong tương lai sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, các diễn giả nhận định một môi trường chính trị bị phân mảnh nhiều hơn trong một thế giới không chắc chắn đặt ra những thách thức khác nhau cho EU. Sự chia rẽ trong nội bộ đã làm tổn hại đến hình ảnh của EU bên ngoài khối, dẫn tới sự quan tâm ngày càng nhiều hơn của người dân tới các vấn đề như biến đổi khí hậu, cách mạng số hóa, nhập cư.
Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek nói rằng chiến dịch bầu cử vừa qua bị chi phối bởi các vấn đề liên quan tới tương lai của EU như nhập cư, an ninh, hơn là các vấn đề đối nội. Còn cựu Ngoại trưởng Slovakia Mikulas Dzurinda lo ngại về sự phức tạp do sự phân mảnh rõ ngày một hơn trong Nghị viện châu Âu, và ông cho rằng điều quan trọng bây giờ là cần phải duy trì sức mạnh của các quốc gia thành viên, đồng thời các thể chế châu Âu cần phải mạnh mẽ và được tôn trọng.
Vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu đối với các nước trong khu vực Tây Balkans cũng được đại diện đến từ các nước tranh luận sôi nổi tại diễn đàn. Trong khi một số diễn giả lạc quan về khả năng gia nhập của nước mình thì căng thẳng gần đây trong quan hệ giữa Serbia và Kosovo đang cản trở nỗ lực của hai nước trong tiến trình bước vào ngôi nhà chung.
Tổng thống Kosovo Hashim Thaci tiết lộ một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia sẽ được hoàn tất trong năm nay, và hội nghị thượng đỉnh các nước vùng Balkans tại thủ đô Paris của Pháp vào đầu tháng 7 tới sẽ là thời điểm quyết định cho vấn đề này.
Ngược lại, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng này và cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp. Ông nói: “Nếu các bạn hỏi tôi về quan điểm, tôi thực sự rất bi quan, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả chúng ta sẽ không cố gắng hết sức để giữ hòa bình, ổn định và bình yên trong khu vực, đồng thời cố gắng tìm một giải pháp có thể”. Ngoài ra, diễn đàn cũng thảo luận các chủ đề khác như nhập cư, cuộc cách mạng 5G, cuộc chiến chống thông tin giả, phòng thủ không gian mạng./.
Theo VOV