Nhìn lại các cuộc đảo chính quân sự ở châu Phi trong 3 năm qua

31/08/2023 - 14:22

Từ tháng 8/2020 đến nay, châu Phi đã xảy ra 8 cuộc đảo chính quân sự, với sự kiện mới nhất diễn ra ở Gabon ngày 30/8/2023.

Châu Phi đã xảy ra hàng loạt cuộc đảo chính quân sự trong 3 năm qua. Ảnh: Reuters

Đảo chính ở Gabon: Ngày 30/8, một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao của Gabon tuyên bố họ đã nắm quyền điều hành đất nước. Động thái này diễn ra ngay sau khi cơ quan bầu cử nhà nước thông báo Tổng thống Ali Bongo đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.

Nhóm sỹ quan quân đội trên cũng cho biết kết quả bầu cử sẽ bị vô hiệu hóa và đóng cửa biên giới cho đến khi có thông báo mới.

Nhóm đảo chính cũng tuyên bố tất cả các thể chế của Gabon đều bị giải thể, bao gồm chính phủ, Quốc hội, Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Kinh tế và Xã hội và Môi trường, và Hội đồng Bầu cử, đồng thời kêu gọi người dân Gabon và các nước láng giềng giữ bình tĩnh.

Tiếp đó cùng ngày, lực lượng cầm đầu cuộc đảo chính tại Gabon đã chỉ định Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Gabon - Tướng Brice Oligui Nguema - làm Chủ tịch Ủy ban Chuyển tiếp và Khôi phục Thể chế (CTRI) kiêm Tổng thống lâm thời trong quá trình chuyển tiếp của quốc gia Trung Phi giàu tài nguyên dầu mỏ này.

Đảo chính ở Niger: Ngày 26/7/2023, lực lượng bảo vệ tổng thống của Niger đã bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum. Đại tá Amadou Abdramane,  người Phát ngôn của Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) tại Niger, tuyên bố trên truyền hình lật đổ tổng thống, đóng cửa biên giới quốc gia, đình chỉ các cơ quan nhà nước, bãi bỏ hiến pháp và ban hành lệnh giới nghiêm khi tuyên bố thành lập chính quyền quân sự. Đây là cuộc đảo chính quân sự lần thứ 5 kể từ khi Niger giành độc lập vào năm 1960.

Lực lượng quân sự Niger đã đề xuất thời gian chuyển tiếp tối đa là "3 năm" trước khi trao lại quyền lực cho lực lượng dân sự.

Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) hôm 10/8 công bố ý định triển khai lực lượng khu vực để "lập lại trật tự hiến pháp" ở Niger, đồng thời tiếp tục ưu tiên con đường ngoại giao.

Đảo chính ở Burkina Faso (2 cuộc đảo chính trong 8 tháng): Ngày 24/1/2022, Tổng thống Roch Marc Christian Kaboré bị quân đội lật đổ, Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba nhậm chức tổng thống vào tháng 2 cùng năm.

Đến ngày 30/9/2022, Đại úy Ibrahim Traoré thông báo trên truyền hình quốc gia rằng ông đã lật đổ nhà lãnh đạo quân đội, Trung tá Damiba. Ông Traore nêu lý do là Trung tá Damiba không có khả năng đối phó với lực lượng nổi dậy Hồi giáo. 

Ông Traore cũng cho biết các biên giới bị đóng cửa vô thời hạn và mọi hoạt động chính trị đều bị đình chỉ, đồng thời tuyên bố mình làm tổng thống chuyển tiếp cho đến cuộc bầu cử dự kiến ​​diễn ra vào tháng 7/2024.

Nước này đã trải qua 8 cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập vào năm 1960.

Đảo chính ở Sudan: Ngày 25/10/2021, các lực lượng quân sự Sudan bất ngờ bắt giữ Thủ tướng Abdalla Hamdok cùng các thành viên khác trong chính phủ nước này.

Tướng Abdel Fattah al-Burhane, người đứng đầu Hội đồng Tối cao cầm quyền Sudan và là người điều hành chính quyền sau cuộc đảo chính quân sự, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán hội đồng này cùng chính phủ chuyển tiếp ở Sudan.

Giao tranh do cạnh tranh quyền lực sau đảo chính ở Sudan đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Ảnh: AP

Sau đó, ông đã chỉ định Hội đồng Tối cao cầm quyền mới, trong đó ông vẫn đứng đầu hội đồng và cấp phó của ông vẫn là Tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Trong Hội đồng tối cao mới được thành lập có các chỉ huy quân đội, các cựu thủ lĩnh lực lượng nổi dậy và thành viên dân sự mới.

Sudan đã trải qua quá trình chuyển đổi bấp bênh do những chia rẽ trong chính trị và tranh giành quyền lực kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019. Kể từ ngày 15/4/2023, cuộc chiến do tranh giành quyền lực giữa Tướng Burhane và cấp phó cũ của ông là Daglo đã khiến ít nhất 5.000 người thiệt mạng ở nước này.

Đảo chính ở Guinea: Ngày 5/9/2021, Tổng thống Alpha Condé bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự. Vào ngày 1/10, Đại tá Mamady Doumbouya, chỉ huy lực lượng đảo chính đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời nước này, với nhiệm vụ giám sát quá trình chuyển tiếp đưa đất nước trở lại chính quyền dân sự vào cuối năm 2024..

Phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Doumbouya cam kết giám sát chặt chẽ quá trình chuyển tiếp, bao gồm cả việc soạn thảo Hiến pháp mới, chống tham nhũng, cải cách bầu cử và tổ chức các cuộc bầu cử tự do và minh bạch.

Đảo chính ở Mali (2 cuộc đảo chính trong 9 tháng): Ngày 18/8/2020, Tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta bị quân đội lật đổ, chính phủ chuyển tiếp được thành lập vào tháng 10.

Nhưng vào ngày 24/5/2021, quân đội đã bắt giữ tổng thống và thủ tướng. Đại tá Assimi Goïta tuyên bố nhậm chức vào tháng 6 với tư cách là tổng thống chuyển tiếp.

Chính quyền quân sự Mali đã cam kết chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử dự kiến ​​vào tháng 2/2024.

Theo Báo Tin Tức