Nhịp cầu nối “ý Đảng” với “lòng dân”

01/05/2024 - 02:52

 - “Thời gian qua, tỉnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Trong đó, cầu Châu Đốc mang ý nghĩa đột phá, được kỳ vọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025)” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Nối những niềm vui

Sau hơn 24 tháng thi công, cầu Châu Đốc hoàn thành, vượt tiến độ gần 9 tháng. Thời điểm thông xe đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định: “Cầu Châu Đốc sớm triển khai thi công, hoàn thành và vượt tiến độ đề ra, góp phần minh chứng rõ nét mối quan hệ máu thịt “Ý Đảng, lòng dân”, tạo nên chiếc cầu nối nhịp bờ vui, thỏa lòng mong đợi của bao thế hệ người dân An Giang nói riêng, một phần người dân vùng ĐBSCL nói chung”.

Ông Huỳnh Văn Hoặc (ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) phấn khởi: “Chúng tôi tự hào, hạnh phúc trước những bước phát triển mạnh mẽ của quê hương Châu Đốc hiện nay. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng cầu, tạo thuận lợi cho bà con di chuyển, giao thương, rút ngắn khoảng cách giữa TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu. Tôi hy vọng thời gian tới, thành phố tiếp tục đón nhận những công trình đầu tư tương tự, mang tính chất kết nối, hoàn chỉnh hệ thống giao thông giữa các vùng, nhằm thúc đẩy phát triển KTXH, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân”.

“Nhà tôi ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu), nhưng tôi đi dạy ở TP. Châu Đốc. Mỗi lần đến trường mất gần 40 phút vì qua phà. Cầu hoàn thành giúp tôi rút ngắn thời gian di chuyển còn khoảng 10 phút, tôi vui mừng khôn tả. Thời gian tới, tôi tiếp tục vận động bà con, lối xóm nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan cầu, chấp hành Luật Giao thông đường bộ” - chị Nguyễn Hoàng Oanh chia sẻ.

Thực hiện nghi thức thông xe cầu Châu Đốc

Ông Quách Văn Nốp (ngụ xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ: “Được chính quyền địa phương thông tin về việc xây dựng cầu Châu Đốc, nhận thấy lợi ích chung, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân tự nguyện, nhanh chóng giao mặt bằng. Tại lễ thông xe cầu Châu Đốc, gia đình tôi vinh dự được UBND tỉnh khen thưởng vì thành tích bàn giao mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạng mục cầu Châu Đốc”.

Tạo động lực phát triển

An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, gần 100km đường biên giới giáp tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia). Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh gồm 242km quốc lộ; 530km đường tỉnh; 4.270km đường giao thông nông thôn. Tỉnh nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tập trung mọi nguồn lực nội tại, tỉnh An Giang đầu tư nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Cụ thể, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đoạn qua địa phận tỉnh An Giang; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, trong đó có cầu Châu Đốc.

Theo Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Võ Chí Trung, cầu Châu Đốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu - 2 đô thị được kỳ vọng là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Châu Đốc là bước đầu trong việc hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng, giúp Châu Đốc và Tân Châu kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực, như: TP. Cao Lãnh, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) và TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm địa phương.

Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, thương mại và du lịch. “Cầu Châu Đốc còn mang lại giải pháp mở rộng không gian đô thị cho TP. Châu Đốc; khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng các khu vực đất nông nghiệp thiếu hiệu quả, phục vụ việc hoàn thành mục tiêu xây dựng, phát triển TP. Châu Đốc đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại I theo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra” - ông Võ Chí Trung cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết thêm, bên cạnh việc góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, với vị trí giao thoa, cầu Châu Đốc còn góp phần khơi thông kết nối, đồng bộ tải trọng đường bộ với Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C và Quốc lộ 80B; kết nối, đồng bộ tải trọng trong khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển. Cầu Châu Đốc còn là đòn bẩy, tạo động lực phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…

Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh. Đồng thời, đáp ứng sự kỳ vọng, mong chờ của Nhân dân tỉnh An Giang nói chung, của TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu nói riêng.

THU THẢO