Nhịp sống bình yên ở làng nghề đan đát

06/11/2022 - 13:31

 - Hình thành hơn trăm năm, làng đan đát ở xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được chính thức công nhận làng nghề truyền thống năm 2006. Từ tre, trúc, những người thợ lành nghề đã biến hóa thành hàng chục sản phẩm sử dụng thân thuộc trong đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân đến làng nghề là những lớp nhà khang trang, ngõ lối đều tinh tươm, sạch sẽ. Trước sân nhà, nguyên liệu và các thành phẩm vừa hoàn thành luân phiên được bày ra đón nắng.

Không có những âm thanh ồn ào, bên trong, không khí làm việc rất nhịp nhàng, mỗi người một công đoạn, lặng lẽ và bình yên.

"Nghề này cần nhất là sự tỉ mỉ, dù đã quen tay, từng thao tác nhỏ vẫn phải cần mẫn chau truốt. Ngoài máy chẻ trúc, tất cả các công đoạn làm ra sản phẩm đến nay vẫn thao tác thủ công..."- một người dân làng nghề nói với tôi.

Làng nghề hiện có hơn 80 hộ, với 350 lao động, giảm khoảng 20% so trước đây. Số hộ sản xuất tập trung nhiều nhất tại 2 ấp Long Mỹ 2 và Long Phú. Mỗi sản phẩm phải trải qua chục công đoạn, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở độ tuổi khác nhau, thu nhập dao động từ 40.000 – 200.000 đồng/người/ngày. Theo tài nghệ, kỹ thuật đan, đôi tay người thợ làm ra rổ, thúng, xề, mẹt, nia, nẻng… Mỗi loại lại phân ra nhiều kích cỡ khác nhau.

Ông Đinh Hùng Cường, Tổ trưởng làng nghề khẳng định, những đồ dùng thân thuộc trong đời sống hiện nay tuy không còn thịnh hành. Nhưng chúng lại được tiêu thụ tốt theo nhiều mục đích mới của khách hàng, thị trường của các sản phẩm cũng rất rộng lớn.

Mấy năm nay, bên cạnh sản phẩm truyền thống, ông Cường còn làm thêm các mẫu mi-ni theo yêu cầu của khách. Sản phẩm càng nhỏ, giá thành lại càng cao, vì phải đan rất tỉ mỉ, công phu, có cái gấp đôi giá so loại thông thường. Đặc biệt, những cái mẹt, thúng, rổ… thu nhỏ được tiêu thụ mạnh cho mục đích làm quà lưu niệm, trang trí, sử dụng trong quán ăn, nhà hàng.

Trân trọng những khách hàng quen đã gắn bó giúp làng nghề tồn tại bao năm qua, có thời điểm giá nguyên liệu tăng, nhưng làng nghề vẫn giữ nguyên giá bán khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Từ đây, hàng ngàn vật dụng bình dân được phân phối sỉ và lẻ đi khắp các tỉnh, nhiều nhất là Đồng Tháp, Long An, TP. Hồ Chí Minh…

Yên bình, sung túc là nhịp sống được giữ bền vững suốt thời gian qua ở làng nghề đan đát. Tròn 1 thế kỷ, nghề đan đát đem lại sự ấm no cho hàng trăm hộ trong vùng.

MỸ HẠNH

 

 

Liên kết hữu ích