Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là ngày hội truyền thống của dân tộc mà đã trở thành Quốc lễ của nước Việt Nam. Vì tầm quan trọng và ảnh hưởng của ngày Quốc lễ này mà tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã được UNESCO công nhận giỗ Tổ Hùng Vương là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Có dịp đến đền Hùng những ngày này sẽ cảm nhận rõ không khí náo nhiệt của hàng ngàn người trên khắp mọi miền đất nước tề tựu về đây với niềm hân hoan khó tả. Còn hạnh phúc nào hơn khi được tự tay thắp nén nhang thành kính dâng lên Vua Hùng ngay trên vùng đất Tổ linh thiêng. Nhớ lại trải nghiệm được đặt chân đến đền Hùng trong những ngày gần đến lễ giỗ, cô Phan Thu Thủy (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) xúc động: “Lần đầu được đến đền Hùng, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Để được thắp nhang các vị Vua Hùng tại đền Thượng, tôi phải vượt qua đền Hạ và đền Trung. Đường đi không dễ, dốc cao, đường xa, nhiều lúc mệt quá, tôi chỉ muốn quay trở lại. Những lúc như vậy tôi chợt nghĩ, đã đến đây mà không dâng được nén nhang bày tỏ niềm biết ơn đối với các Vua Hùng sẽ là hối tiếc rất lớn. Thế là, hơn 1 tiếng vượt qua các bậc thang cao, tôi đã đến được nơi cần đến, cảm giác mệt mỏi ban đầu tan biến khi đền thờ Vua Hùng hiện ra uy nghi trước mặt. Mọi cảm xúc như dâng trào, lúc ấy khóe mắt tôi không hiểu vì sao lại thấy cay cay. Sau lần đó, tôi còn có thêm 2 dịp nữa đến dâng hương Vua Hùng. Với tôi, đó là vinh dự và hạnh phúc rất to lớn”.
Không được may mắn như cô Thủy khi được đến đền Hùng 3 lần, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (ngụ xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) có cách riêng để tưởng nhớ đến công ơn Vua Hùng. Theo chị Hồng, ngày giỗ Tổ hàng năm, chị luôn theo dõi mọi hoạt động tưởng niệm diễn ra ở đền Hùng thông qua báo, đài và mạng xã hội. “Nhìn đoàn người chen chân nhau lên đền Hùng, tôi cũng muốn 1 lần được đặt chân đến đấy. Khi dõi theo các hoạt động ấy, tôi thường gọi các con xem cùng. Vừa xem, tôi vừa giải thích cho con hiểu về ngày lễ giỗ đặc biệt này và không quên nhắc lại công dựng nước của các vị Vua Hùng để các con hiểu” - chị Ánh Hồng chia sẻ. Bằng rất nhiều cách, trực tiếp hay gián tiếp, những người con An Giang nhớ về ngày giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính và biết ơn. Điển hình là Thoại Sơn, ngày mùng 10-3 hàng năm được địa phương tổ chức rất long trọng với hoạt động là Lễ hội Văn hóa truyền thống của huyện (trùng ngày với Lễ Kỳ yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu ở thị trấn Núi Sập).
Không chỉ tưởng nhớ Vua Hùng, lễ hội truyền thống còn là cách để cán bộ và Nhân dân huyện Thoại Sơn ghi nhớ chiến tích đào kênh, dựng bia lập làng của danh thần Thoại Ngọc Hầu, 1 vị tướng lỗi lạc, 1 nhà ngoại giao kiệt xuất. Đây là lần thứ 17 huyện Thoại Sơn tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng như: nghi thức thỉnh sắc, khai mạc lễ hội, dâng hương, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao diễn ra trước, trong và sau lễ hội. Thời gian tổ chức lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ mùng 10-3 đến 12-3 (âm lịch). Đây còn là dịp kỷ niệm 17 năm kết nghĩa giữa huyện Thoại Sơn với quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), khẳng định tình cảm gắn bó, keo sơn giữa quận Sơn Trà và huyện Thoại Sơn. Lễ hội còn tái hiện truyền thống với gần 100 diễn viên, dựng lại thuở danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh, lập làng và được người dân tôn vinh. Hoạt động đã thu hút hàng ngàn người tham dự, dẫu không đông như ở đền Hùng nhưng tấm lòng và niềm tôn kính vẫn trào dâng mãnh liệt.
Thế mới thấy, câu ca dao ngày nào đã thấm nhuần vào tư tưởng và đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Vâng, dẫu ngược, dẫu xuôi hay còn bôn ba khắp mọi miền đất nước thì ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
PHƯƠNG LAN