Nho rừng xuống núi

24/09/2022 - 08:53

 - Là loại quả dại, hầu như chẳng ăn được, nho rừng mọc khép mình ở Bảy Núi (2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang), nhưng "bỗng dưng" mấy năm nay đột nhiên được “săn đón” nhiệt tình. Vậy là nho rừng bắt đầu hành trình xuống núi…

Theo ông Nguyễn Hữu Phước (ngụ ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), nho rừng thuộc họ dây leo, mọc ở nhiều khu vực rừng, cho trái thành chùm. Vẻ ngoài rất giống nho thường, nhưng kích thức nhỏ hơn một chút. Trái sống có màu xanh, lúc chín chuyển sang màu tím rất đẹp mắt.

Dân đi rừng hàng ngày như ông Phước ít khi để loại trái hoang dại này vào mắt, vì chúng rất chua, không thể ăn như trái cây thông thường được. Thời gian gần đây, phong trào đi "phượt", khám phá núi rừng được ưa chuộng. Giới trẻ đi xuyên rừng, bắt gặp nho rừng lúc lỉu trên cây. Họ thích thú tìm hiểu, liên tục chụp ảnh, đăng tải thông tin về loại “trái cây” này trên mạng xã hội. Từ đó, nho rừng được biết đến nhiều hơn.

Mùa mưa xuống, cũng là lúc nho rừng bắt đầu trĩu nặng. Khoảng tháng 6 (âm lịch) kéo dài đến tháng 8, 9 (âm lịch), nho rừng được người dân địa phương thu hoạch rộ, đem bán khắp nơi. Nơi thu mua nhiều nhất là các hộ dân sống dọc theo xã An Phú (huyện Tịnh Biên). Đã có người thử đem về trồng, nhưng chúng "đỏng đảnh", nhất quyết không cho trái như ở rừng.

Mùa này, có dịp đi ngang khu vực trên, khách phương xa sẽ cảm thấy “no mắt” với màu đỏ chuyển tím của nho rừng. Chỉ có 2 hộ “thường trực” bán cạnh nhau, nhưng gom lại, số lượng nho rừng lên đến vài chục ký mỗi ngày. Giá bán mỗi ký từ 40.000 - 50.000 đồng, mua số lượng nhiều càng được giảm giá.

Thấy ham vậy thôi, chứ nho rừng chỉ có thể đem ngâm rượu, nghe nói trị nhức mỏi, tim mạch khá hữu hiệu. Mỗi chai rượu thế này, có giá từ 60.000 - 200.000 đồng.

Ai không uống được rượu nho rừng, người dân địa phương sẽ mời chào “mật nho rừng”. Nho rừng đã được loại bỏ vị chua, thay bằng vị ngọt thơm, bởi chúng được ngâm với đường phèn, rất dễ uống.

Chị Cẩm Hằng (29 tuổi, ngụ xã An Phú) là 1 trong 2 hộ bán nho rừng ở xã này. “Mấy ông đi rừng, bứt lá mối, kiếm tổ ong, sẵn tiện gom nho rừng đem xuống bỏ mối cho tôi, ngày 2-3 bao. Có bao nhiêu, bày bán khách mua bấy nhiêu. Chừng 1 tháng nữa chắc sẽ hết mùa nho rồi”.

Chúng tôi sắp rời đi, thì một nhóm khách khác dừng xe, ghé bên mâm nho rừng, bắt đầu quá trình tìm hiểu, ghi nhận hình ảnh về chúng. Khách ở xa thì lạ lẫm nhìn ngắm nho rừng, còn người bán thì quá quen với cảnh “check-in” này. Dẫu sao, họ được thu nhập từ “quả của trời”, nên đâu tiếc gì chút thời gian trò chuyện. Cứ xem như, đó là cách “quảng cáo” hữu hiệu cho cây trái xứ núi quê mình…

Vừa mang nho rừng xuống núi, vừa khởi nghiệp, anh Đồng Chí Nhân (Bí thư Xã đoàn Lê Trì, huyện Tri Tôn) tạo ra sản phẩm mật nho rừng. Chỉ khác ở chỗ, nho rừng được anh mua giống từ tỉnh Tây Ninh, đem về nhân giống bằng quy trình nghiêm ngặt.

Mật ngọt hôm nay tích cóp từ biết bao gian khổ, trăn trở của Nhân và bạn bè. Phải hiểu tính nết của loại cây này mới có thể giúp chúng kết trái trĩu giàn. Từ giàn nho, đến sản phẩm chỉn chu thế này, càng nỗ lực gấp bội. Rồi sau này, nho rừng sẽ trở thành đặc sản mới ở xứ Bảy Núi, chẳng còn lẻ loi trên rừng nữa…

KHÁNH ĐĂNG