Nhớ thương “anh Hai Thắng”!

19/08/2022 - 06:40

 - “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người” - cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận xét về Bác Tôn (anh Hai Thắng) như thế.

Niềm tự hào của An Giang

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (còn được biết đến với cái tên thân thương là anh Hai Thắng, Bác Tôn) sinh ngày 20/8/1888 tại cù lao Ông Hổ (thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) trong một gia đình trung nông. Ngày cù lao tiễn chân Bác Tôn đi xa, có lẽ chưa từng nghĩ đến ngày người con miền Tây sông nước này sẽ mang đến cho quê hương niềm tự hào khôn xiết. Giặc giã, chiến tranh liên miên, Bác bình an, làm việc tốt là quý lắm rồi, đâu ai nỡ đặt lên vai Người gánh nặng non sông!

Thế nhưng, 92 năm có mặt trên cuộc đời, Bác chỉ dành thời niên thiếu sống cho chính mình và gia đình, gần 70 năm dài còn lại cống hiến cho hoạt động cách mạng, hy sinh mọi thứ riêng tư. Bác dành trí tuệ, tài năng và sức lực để đảm nhiệm nhiều trọng trách do Đảng và nhà nước phân công, cùng nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Tham quan nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn

Trong những năm tháng bị giam cầm nơi “địa ngục trần gian”- nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí đấu tranh và vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người con đất An Giang ấy đã viết nên trang sử vàng cho đất nước, thực hiện thành công tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, không ngừng mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hơn 30 năm giữ trọng trách lãnh đạo Mặt trận, Bác Tôn cùng Bác Hồ và Trung ương Đảng chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập thống nhất Tổ quốc; chăm lo tình đoàn kết quốc tế, vun đắp, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân trên thế giới. Là chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới, Bác Tôn là người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng hòa bình quốc tế Lê-nin.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của nhà nước, Bác đã cùng Trung ương Đảng, nhà nước lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất vào tháng 7/1976, Bác được bầu là Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trở thành người kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Biến nhớ thương thành hành động

Thời gian Bác Tôn sống ở An Giang không nhiều, nhưng trong lòng Bác, tình yêu và nỗi nhớ xứ sở tha thiết khôn nguôi. Lòng càng nghĩ về quê nhà sâu nặng thì Bác càng quyết tâm chiến đấu giải phóng quê hương. Hòa bình rồi, Người mong muốn quê hương phát triển vượt bậc. “Tôi mong rằng, đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Khu 9, hãy đoàn kết hết lòng, vượt mọi khó khăn, ra sức thi đua yêu nước, hăng say lao động sáng tạo, khai thác mọi nguồn tài nguyên phong phú của ĐBSCL, xây dựng quê hương tươi đẹp, vững mạnh về mọi mặt, cùng với nhân dân cả nước, tạo ra một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc” - Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dặn dò các tỉnh Khu Tây Nam Bộ như thế, vào ngày 2/11/1975.

Nhưng đâu chỉ có Bác Tôn đau đáu nhớ quê! Người đi xa, thì nếp quê, nếp nhà, nhân dân An Giang cũng nhớ thương Bác chưa bao giờ vơi. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, An Giang luôn tâm niệm phải làm sao để xứng đáng với công lao của Người, làm rạng danh quê hương Người, bằng trí tuệ, khối óc và con tim của hậu bối!

Quanh năm, hương khói ở Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn bàng bạc nỗi nhớ Người. Trước mỗi sự kiện lớn của tỉnh, hoặc mỗi khi có đoàn khách Trung ương và địa phương khác đến An Giang, bao giờ cũng bắt đầu bằng hoạt động dâng hương, dâng hoa lên Người. Trong lòng mỗi người con An Giang, Bác Tôn luôn hiện hữu, dõi theo bước đường phát triển của quê mình.

Hàng năm, rất nhiều hoạt động hưởng ứng kỷ niệm ngày sinh của Người được thực hiện trên toàn tỉnh, trải dài suốt năm, tập trung cao điểm vào tháng 8. Như năm nay, Lễ kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2022) diễn ra vào ngày 19/8, bằng việc thực hiện lễ dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng (phường Mỹ Long); lễ dâng hoa, dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng). Ngày 20/8 đánh dấu trọng thể bằng lễ khai mạc Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh An Giang lần thứ IX/2022.

Trước đó, hàng loạt sự kiện được tổ chức, mang lại không khí rộn ràng, vui tươi, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng phối hợp Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức triển lãm chuyên đề “Bác Tôn với miền Nam”; Liên hoan đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương; cuộc thi chuyên đề “Sách - sự kiện lịch sử”; hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi cù lao ông Hổ với Bác Tôn”; hội thi trang trí trái cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; xếp sách nghệ thuật, trưng bày và giới thiệu sách theo chủ đề kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng… Đoàn viên, thanh niên, cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị tổ chức dọn vệ sinh Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; các địa phương, đơn vị giao lưu văn hóa, thể dục - thể thao; họp mặt truyền thống; khánh thành công trình cầu, đường giao thông…

Tháng 8 về, chúng con nhớ Bác, người mà: “Từ thuở thiếu thời đi lập cứ/ Một thời nghĩa khí ánh hào quang/ Mười bảy năm tù lao khổ lắm/ Sử vàng, Người để chữ trung cang!/ Cuộc sống đơn sơ, giàu đức hạnh/ Vải bô ấp ủ trái tim hồng/ Vinh, nhục, sang, hèn, lòng vẫn vậy/ Đời trong như ngọc, trắng như bông” (Nhớ Bác - Hồ Thanh Điền).

GIA KHÁNH