Nhọc nhằn mưu sinh

09/05/2022 - 06:35

 - Thời tiết gần đây thất thường, lúc thì nắng gay gắt, đôi khi mưa xối xả. Nhưng vì mưu sinh, nhiều lao động làm việc ngoài trời vẫn phải nhọc nhằn chống chọi.

Là nông dân, anh Văn Hoàng (55 tuổi, ngụ xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) hiểu thế nào là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nên nhà nông thường ra đồng từ sớm tinh sương để tránh cái nắng như đổ lửa ban trưa. Từ khi chuyển sang trồng vườn, anh Hoàng đỡ vất vả hơn. Nhưng ngày 2 buổi, anh vẫn phải ra thăm vườn để sớm phát hiện bất thường trong vườn cây.

“Mấy hôm nay, nắng nóng gay gắt, buổi sáng tôi phải kết thúc làm vườn sớm hơn so với ngày thường. Thay vì 11 giờ hơn nghỉ tay, chỉ khoảng 10 giờ là tôi mệt lả người, áo ướt sũng mồ hôi. Vào nghỉ ngơi lấy lại sức, xế trưa tôi mới tiếp tục công việc. Dù tán cây xanh che đi phần nào cơn nắng, nhưng cái nóng hanh hanh cũng làm con người vật vã, toát mồ hôi” - anh Hoàng chia sẻ. 

Mùa hè, mùa của cánh phượng cháy hết mình trong nắng, mùa của bằng lăng tím mộng mơ. Với người lao động ngoài trời, hè đến không mang theo mộng mơ như thế cho họ. Điều họ mong muốn nhất là thời tiết dịu lại, để việc mưu sinh vơi đi phần nào vất vả. Ngót nghét 60 tuổi, chú Nguyễn Văn Đực (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) sống bằng nghề bán hàng tự do. Với người có sức khỏe như chú, trước đây chạy hàng trăm cây số trong một ngày để tìm chỗ bỏ mối, bán hàng không thành vấn đề. Giờ đây, nắng nóng ít nhiều ảnh hưởng đến công việc.

Nhìn đôi bàn tay rám nắng đầy chỗ chai sạn, chú Đực bày tỏ: “Nếu không làm thì lấy gì sống? Vì vậy, trời nắng thế nào tôi cũng vẫn phải chạy bán hàng. Mệt quá thì ghé vô quán võng nghỉ lưng, uống ngụm nước mát lạnh, chờ ráo mồ hôi rồi lại rong ruổi hành trình. Được hôm gặp nhiều người ủng hộ, bán được nhiều, lời nhiều thì tôi đỡ lo”.

Lao động ngoài trời mưu sinh giữa tiết trời thất thường

Là nhân viên bán hàng, “chạy thị trường” tiếp thị sản phẩm, nhiệm vụ của anh Minh Hải (31 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) là bán hết đơn hàng của công ty giao. Thu nhập của Hải được trả theo doanh số bán hàng. Vậy nên, công việc hàng ngày của Hải là phải di chuyển từ thành thị đến vùng quê xa xôi, chào hỏi khách hàng, trình bày sản phẩm và thuyết phục khách mua hàng. Trên chiếc xe máy chất đầy hàng hóa, có ngày anh Hải phải chạy hàng trăm cây số để bán hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào anh cũng thành công.

“Tôi bán hàng theo tuyến, ngày ngày chạy ngoài đường, bất kể thời tiết như thế nào. Nhiều khi chạy cả ngày, năn nỉ “gãy lưỡi” mà chỉ nhận lại cái lắc đầu của khách, rồi chở hàng về, lỗ cả tiền xăng, chưa tính đến tiền ăn uống. Gặp thời tiết bất thường như mấy hôm nay càng khổ hơn, lúc nắng lúc mưa. Để đảm bảo sức khỏe, hễ thấy mệt quá, tôi sẽ dừng xe nghỉ ngơi ở quán nước ven đường, chứ không cố chạy như trước đây” - anh Hải bộc bạch.

Gần về trưa và đầu giờ chiều là thời điểm nắng gay gắt nhất, không khí ngoài trời rất oi bức. Nếu thực sự không có việc cần thiết phải ra ngoài, nhiều người dân sẽ chọn cách “trốn” nóng. Nhưng với những người làm công việc ngoài trời như chú Đực, anh Hải, thì họ không thể. Đó còn là những người chạy “xe ôm”, shipper (giao hàng) hay thợ xây dựng, lao động công trình… hàng ngày, hàng giờ gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết.

“Trời thì nắng, hơi nóng từ mặt đường tỏa ra bỏng rát người, vì thế tôi phải tính toán cung đường đi nhanh nhất, ngắn nhất; phải gọi điện hẹn khách nhận hàng đúng giờ, tránh đi lại mất công” - anh Thắng (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, làm nghề giao hàng) nói vội, để kịp đi giao đơn hàng tiếp theo trong khi trời nắng chang chang. Cách để chống lại cái nóng của những lao động ngoài trời chính là mặc đồ “bảo hộ”, như: Đeo bao tay, mang kính mát, đội thêm nón, uống nước mát…

“Nếu như trước đây, buổi sáng tôi làm từ 7 giờ đến 11 giờ, thì nay tôi bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa; buổi chiều bắt đầu làm từ 14 giờ đến 18 giờ, tránh được thời điểm nắng gắt nhất (11 giờ đến 14 giờ)” - anh Minh Tuấn (thợ hồ, ngụ thị trấn An Châu) cho hay.

Có thể thấy, dù làm công việc gì, ở ngành nghề nào, lao động ngoài trời nắng nóng hay mưa gió luôn rất vất vả, gây hại cho sức khỏe. Với họ, đó là “thử thách” vô cùng khắc nghiệt. Vậy nên, vì mưu sinh, thời tiết thất thường thế nào, họ vẫn phải vượt qua…

PHƯƠNG LAN