Những buổi “tiếp xúc cử tri” đặc biệt

02/10/2020 - 15:39

 - Giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, trước mỗi kỳ họp Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang có buổi tiếp xúc, gặp gỡ Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành. Qua các buổi “tiếp xúc cử tri đặc biệt” thường lệ này, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị được tỉnh An Giang gửi gắm đến các vị ĐBQH, nhằm giúp tỉnh có thể tháo gỡ, giải quyết một số vấn đề bức thiết hiện nay. Cũng từ đó, vai trò của Đoàn ĐBQH và từng đại biểu ĐBQH được nâng lên, thể hiện rõ nét hơn trước, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.

Kiến nghị của các “cử tri đặc biệt”

“Hiện nay, để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo nguồn thu cho tỉnh, An Giang đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư doanh nghiệp, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, còn gặp những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa. Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ quy định: UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa. Quy định này không phù hợp với chủ trương thực hiện tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Do đó, kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định này” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình trình bày ý kiến với Đoàn ĐBQH

Đó là ý kiến của một cử tri “đặc biệt”. Với cương vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, ý kiến đề xuất của những cử tri này được tổng hợp từ ý kiến của các tầng lớp nhân dân; phòng, ban, đơn vị chuyên môn; từ thực tế cuộc sống lẫn quá trình tiếp cận công việc của từng người. Những ý kiến, kiến nghị ấy đều chất đầy tâm huyết, trách nhiệm, gửi đến Trung ương thông qua Đoàn ĐBQH. Nếu được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết, tháo gỡ, chắc chắn sẽ giúp ích cho tỉnh An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL và cả nước nói chung.

1

Các buổi “tiếp xúc cử tri” đặc biệt diễn ra đều đặn trước kỳ họp Quốc hội

Lần gặp gỡ trước kỳ họp thứ 10, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang “phấn khởi” báo cáo với Đoàn ĐBQH tỉnh: tăng trưởng GRDP quý I-2020 của tỉnh đạt 4,75% (cả nước tăng 3,82%); dự ước 6 tháng đầu năm 2020 GRDP tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 6%). Đây là kết quả tích cực trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhờ sự vào cuộc quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm 2020 và thành quả của năm 2019.

 Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tác động sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống của người dân, nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, thu ngân sách. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID -19, nguồn thu sẽ bị sụt giảm 25%, ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, tương đương giảm thu ngân sách tỉnh 290 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương rất cần hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thực hiện theo quy định của Trung ương, tỉnh chủ động triển khai thực hiện chi trả các chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh COVID -19 trên địa bàn tỉnh; sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cách ly tập trung và đơn vị điều trị cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID -19 (tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là 481 tỷ đồng). Ngoài ra, thực hiện theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều hành an sinh xã hội theo diễn biến dịch bệnh COVID -19 từng quý còn lại của năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng nhu cầu hỗ trợ các đối tượng là 808 tỷ đồng (trong đó nguồn hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 432 tỷ đồng, nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 108 tỷ đồng, nguồn vận động 1 tỷ đồng, nguồn ngân sách còn phải cấp là 267 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin: “Ngân sách tỉnh An Giang hiện khó khăn do thu ngân sách địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, trong khi An Giang là một trong những tỉnh hàng năm vẫn phải hưởng trợ cấp (trên 50%) từ ngân sách Trung ương. Do vậy, để đảm bảo nguồn cho địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét có cơ chế hỗ trợ cho địa phương được hưởng từ số giảm thu nêu trên. Mặt khác, để đảm bảo nguồn ngân sách chủ động thực hiện chi trả chế độ chống dịch, mua sắm trang thiết bị chống dịch, chi đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét tạm cấp cho ngân sách địa phương hoặc cho ngân sách địa phương ứng trước dự toán kinh phí thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID -19 (với số tiền 500 tỷ đồng). Sau khi thực hiện, tỉnh sẽ có báo cáo quyết toán cụ thể gửi Bộ Tài chính để được tiếp tục xem xét, hỗ trợ”. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề xuất thêm, các chủ trương, chế độ chính sách an sinh xã hội nên được chia theo khu vực, theo khả năng tự chủ ngân sách và đặc điểm của từng địa phương, không nên phân bổ đều nhau.

Nhiều “nút thắt” được tháo gỡ

“Tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, UBND tỉnh đã có nhiều kiến nghị và được Đoàn có ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương về chủ trương, cơ chế chính sách, công trình cụ thể, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương. Thông qua Đoàn, UBND tỉnh được làm việc trực tiếp và được gửi gắm ý kiến đến các Bộ, ngành có liên quan. UBND tỉnh trân trọng ghi nhận những hỗ trợ, đóng góp của Đoàn ĐBQH, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng bày tỏ.

Lễ hoàn thành và bàn giao mặt bằng dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên đánh dấu một bước quan trọng của dự án

Một trong những thành công nổi bật nhất trong thời gian qua của tỉnh An Giang là xúc tiến tích cực để biến dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên trở thành hiện thực, đáp ứng mong đợi suốt 20 năm qua của nhân dân, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ. Long Xuyên là thành phố cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 91 chưa có tuyến tránh, dù đoạn qua khu vực trung tâm thành phố thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Do đó, dự án kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo giao thông đường bộ được thông suốt, liên tục trên Quốc lộ 91 đoạn qua TP. Long Xuyên, từng bước kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ, tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng; có tổng chiều dài 17,3km, đi qua 8 phường, xã của TP. Long Xuyên, tổng diện tích thu hồi hơn 460.000m2 đất, liên quan 558 hộ dân. Đây cũng được xem là một mảnh ghép quan trọng để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống tỉnh An Giang nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung. Dự kiến, trong quý I-2021, dự án sẽ chính thức được khởi công.

Khảo sát khu vực thực hiện dự án

Nhưng để có được lễ hoàn thành và bàn giao mặt bằng dự án tại Long Xuyên vào ngày 20-8-2020, rất nhiều lần Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị trực tiếp hoặc thông qua các buổi “tiếp xúc cử tri đặc biệt” cùng Đoàn ĐBQH. Nhờ đó, dự án từng bước được xúc tiến. Đơn cử như, sau kiến nghị của An Giang, Chính phủ ghi nhận và đề xuất Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XIV (tháng 11-2018). Sau kỳ họp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, cho phép sử dụng nguồn dự phòng của kế hoạch cho dự án. Ngày 22-11-2018, Bộ Giao thông - Vận tải có quyết định phê duyệt dự án. Ngày 18-9-2019, tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất cho tỉnh ứng vốn ngân sách tỉnh để giải phóng mặt bằng dự án, mức tạm ứng khoảng 80% (tương đương 275 tỷ đồng)… Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, chia sẻ: “Đây là thành công chung của Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo, người dân tỉnh An Giang. Với tư cách là ĐBQH, chúng tôi thường xuyên kiên trì đề xuất ý kiến trên nghị trường, cố gắng để dự án được có tên trong danh sách đầu tư công trung hạn. Đồng thời, Đoàn ĐBQH nhiều lần đăng ký gặp gỡ, làm việc với các bộ, ngành có liên quan, nhằm giúp dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, đáp ứng mong mỏi của An Giang”.

Sạt lở bờ sông ở An Giang xảy ra liên tục

Một vấn đề “nóng” khác là tình hình sạt lở bờ sông khu vực ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên – Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 52 điểm cảnh báo sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài cảnh báo là 162,2km; khoảng 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó có 5.300 hộ cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở), gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý, ứng phó với sạt lở của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa mang tính tổng thể, đồng bộ. Đồng thời, gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí tái định cư cho hộ dân. Tỉnh kiến nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn phù hợp tình hình đặc thù ở An Giang, sau khi đã có nghiên cứu, đánh giá tổng thể tình hình sạt lở, đề ra giải pháp xử lý. Từ ý kiến của An Giang, liên quan đến Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2018-2020, Bộ Xây dựng ghi nhận và có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương để tham mưu Chính phủ điều chỉnh...

Ngoài ra, nhiều vấn đề An Giang kiến nghị thông qua Đoàn ĐBQH đã được quan tâm xem xét. Điển hình: kiến nghị “Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24-11-2017 để tỉnh tiến hành lập nhiệm vụ quy hoạch, tích hợp các quy hoạch vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 2050”; kiến nghị “Bộ Kế hoạch – Đầu tư sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí hoạt động quy hoạch, để khái toán chi phí lập quy hoạch và có cơ sở để ghi vốn cho hoạt động lập quy hoạch” đã được Chính phủ và Bộ Kế hoạch – Đầu tư thực hiện…

Lắng nghe, phản hồi và đồng hành

Những buổi làm việc đầu tiên giữa Đoàn ĐBQH và tỉnh An Giang còn đâu đó sự e ngại, lúng túng trong công tác chuẩn bị, trong cách đề xuất, kiến nghị. Nhưng dần dần, buổi làm việc trở nên “chuyên nghiệp”, hiệu quả, với tinh thần đầy thẳng thắn, trách nhiệm của từng thành viên tham gia. Sau khi lắng nghe các ý kiến trình bày đề xuất, vướng mắc của chính quyền địa phương, từng vị ĐBQH đã trao đổi, phản hồi lại. Nội dung phản hồi bao gồm thông tin thêm ý kiến đóng góp của cử tri khi Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri trước kỳ họp trên địa bàn tỉnh, như một cầu nối giữa cử tri với Đoàn ĐBQH và địa phương.

Cử tri An Giang gửi gắm nhiều ý kiến trong các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBHQ tỉnh

Các vị ĐBQH dành nhiều tâm huyết cho quê hương An Giang

Đoàn cũng dành thời gian phân tích sâu các kiến nghị, vướng mắc của tỉnh, cân nhắc nên đề xuất đến Trung ương những vấn đề gì, đề xuất như thế nào; lắng nghe ý kiến của lãnh đạo sở, ngành, Thường trực UBND tỉnh đối với các vấn đề “nóng” của tỉnh. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: làm thế nào để người nông dân không còn băn khoăn “sản xuất nông nghiệp như một canh bạc may rủi”, trúng mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa? Những giải pháp, đề xuất nào nhằm giải quyết nạn bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm ma túy và đối tượng nghiện ma túy? Làm thế nào để tăng cường kết nối giao thông giữa An Giang với khu vực, giúp An Giang phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra?

ĐBQH Đôn Tuấn Phong chia sẻ nhiều vấn đề vướng mắc của tỉnh

Những câu hỏi đặt ra luôn đi kèm với những ý kiến đề xuất, gợi mở của các vị ĐBQH gửi gắm đến lãnh đạo tỉnh. Đối với những vấn đề nằm ngoài tầm với của tỉnh, trách nhiệm “chuyển lời” được đặt lên vai của các vị ĐBQH. Liên quan đến câu chuyện “gỡ khó cho ngân sách nhà nước mùa COVID-19” mà An Giang trăn trở, ĐBQH Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bày tỏ: “Những khó khăn An Giang gặp phải là tình hình chung của cả nước trong giai đoạn này. Trong khi đó, nhiều khoản chi chắc chắn phải thực hiện đầy đủ, như hỗ trợ các đối tượng xã hội, chính sách. Nếu ngân sách địa phương chưa đảm bảo được thì cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Tôi sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, có động thái làm việc để các cơ quan Trung ương thấu hiểu, chia sẻ và tháo gỡ cho địa phương”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, khẳng định: sự phối hợp của tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Vai trò của ĐBQH được thể hiện rõ nét, nhất là các vị ĐBQH Trung ương, khi gắn bó, trách nhiệm, dành nhiều tình cảm cho An Giang. Những lần tổ chức “buổi tiếp xúc cử tri đặc biệt” như thế này chứng tỏ tính hiệu quả, giúp rà soát lại các đầu công việc của hệ thống chính trị tỉnh, tự bàn bạc hướng giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, tập trung kiến nghị với Quốc hội, Trung ương những vấn đề lớn, vượt ngoài tầm tay của tỉnh. Các ý kiến, đề xuất của UBND tỉnh và các sở, ngành luôn được Đoàn ĐBQH ghi nhận, nghiên cứu, kiến nghị đến Trung ương, Quốc hội một cách phù hợp, sát đáng. Trong đó, ưu tiên hàng đầu cho vấn đề cấp bách liên quan đến phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình giao thông đặc biệt quan trọng.

Trong những buổi làm việc như thế, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân đóng “hai vai”: vừa là ĐBQH, vừa là lãnh đạo tỉnh. Vì vậy, phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí thường gửi gắm ý kiến ở cả hai vai trò. Với vai trò Trưởng đoàn ĐBQH, đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan tham mưu cần chuẩn bị nội dung kiến nghị một cách cụ thể, kỹ lưỡng, bằng các báo cáo chuyên sâu; chú trọng đề xuất về mặt cơ chế, làm cơ sở để Đoàn tổng hợp, đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh các chính sách cần thiết. Đoàn ĐBQH sẽ cân nhắc cách phản ánh, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành một cách phù hợp nhất.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân phát biểu trong một buổi gặp gỡ với UBND tỉnh

“Hiện nay, Trung ương khuyến khích, ủng hộ địa phương đề xuất cơ chế, chính sách mà tỉnh có thể thực hiện được, kêu gọi xã hội hóa đầu tư được. Do vậy, An Giang nên thực hiện theo hướng đó để mang lại hiệu quả, đồng thời thể hiện trách nhiệm của địa phương đối với Trung ương. Điển hình như, việc đề xuất, kiến nghị với Trung ương những vấn đề riêng lẻ về nông nghiệp sẽ chưa đủ làm thay đổi quá trình phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh và các vị ĐBQH phải có kiến nghị tổng thể, đề án chung về tiếp cận đất đai cho phát triển nông nghiệp của An Giang thành sản xuất lớn, mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần giải quyết rốt ráo các nội dung thuộc thẩm quyền mình mà cử tri đã phản ánh, kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri; rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện các kết luận, đầu công việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giao cho tỉnh để thể hiện trách nhiệm của tỉnh” – đồng chí đề nghị.

Với vai trò Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí động viên, phân tích những công việc cần làm trước, những giải pháp cần tập trung thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 9, trước các lo lắng về ngân sách, về tình hình dịch bệnh COVID-19 hoành hành, đồng chí bày tỏ: “Chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới, “trạng thái bình thường mới”, nhưng cần sự nỗ lực gấp đôi, gấp 3 so với trước. Mong rằng, trước hết, lãnh đạo chủ chốt các ngành, lĩnh vực xác định ý thức trách nhiệm cao hơn, có tâm thế mới trong làm việc, linh hoạt thay đổi phương pháp, cách thức làm việc phù hợp với bối cảnh mới. Chúng ta phải tiên phong thì mới kéo cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng vượt qua khó khăn này. Tỉnh phải điều hành kịch bản phát triển kinh tế - xã hội sau dịch đạt hiệu quả cao nhất; kết nối nhanh các dự án đầu tư lớn đã đăng ký; tiếp cận cơ hội (về đầu tư công, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh) một cách nhanh chóng”.

Đến trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, An Giang có 4 việc “làm được” rõ nét. Đó là tăng trưởng kinh tế mức độ phù hợp, đảm bảo sự phát triển của địa phương trong điều kiện khó khăn chung; có những tín hiệu mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo; triển khai một số dự án đầu tư công, tạo khí thế, tiền đề cho nhiệm kỳ tới; sau đại hội Đảng các cấp có bước kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, tạo sinh khí mới, nhiệt huyết mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cũng có một số thách thức cần phải đối diện: dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp; nguồn thu ngân sách sụt giảm đáng kể; nguy cơ thiên tai, biến đổi khí hậu; giao thời giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND các cấp… Lúc này, ngoài nỗ lực của Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH trước các vấn đề cấp bách mang tính chất chung, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu: về phía tỉnh, cần rà soát lại các vướng mắc, nội dung cần Trung ương hỗ trợ, đăng ký làm việc cùng các bộ, ngành có liên quan để được hỗ trợ kịp thời; rà soát danh mục đầu tư công nhiệm kỳ mới để đề xuất Trung ương ưu tiên đầu tư. Đặc biệt, xem xét đầy đủ vấn đề, đăng ký làm việc với bộ, ngành chủ quản, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, người dân…

Trong tương lai, những buổi “tiếp xúc cử tri” như thế cần được duy trì, là dịp gặp gỡ rất quý giá đối với địa phương. Để rồi, từ sự “đồng hành” của Đoàn ĐBQH, sau mỗi kỳ họp Quốc hội, nhiều vấn đề lớn của địa phương được tháo gỡ, được tiếp sức, được sẻ chia!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH