Cả đời bám núi, giữ rừng
Khác với đồng bằng, cư dân núi Cấm không ở quần cư vào một chỗ mà sống rải rác theo các vồ, khu vực núi khác nhau. Có những ngôi nhà mà muốn “ghé chơi”, chỉ có cách duy nhất là lội bộ đường rừng, đi dọc theo các con suối. Nhìn từ trên xuống, những ngôi nhà thoắt ẩn, thoắt hiện trong những tán cây rất thú vị. Có khi, từ nhà này sang nhà khác, phải băng vài cây số đường núi. Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) cho biết, có nhiều hộ tham gia chương trình giao khoán trồng và bảo vệ rừng của ngành kiểm lâm từ vài chục năm trước. Hiện nay, họ vẫn bám trụ với núi Cấm để vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ rừng. Đây là những người am hiểu từng ngọn cây, cọng cỏ vùng núi. Qua thời gian gắn bó lâu dài với núi Cấm, họ vô tình phát hiện những cây thuốc quý và dành thời gian chăm sóc, bảo tồn để giúp đời.
Ông Phạm Văn Hải hái loại sâm núi mọc tự nhiên trên núi Cấm
Có dịp cùng Chi cục Kiểm lâm An Giang khám phá vồ Bạch Tượng của núi Cấm, chúng tôi cảm nhận rõ sự hùng vĩ của ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí cũng như sự trong lành, thanh khiết của nơi được mệnh danh là “Đà Lạt thứ 2” của Việt Nam. Băng qua những con đường rừng ngoằn ngoèo, chúng tôi ghé thăm nhà ông Tư “Núi Cấm”. Đó là ông lão tầm 90 tuổi, râu tóc bạc phơ, vóc dáng phương phi, khỏe mạnh. Ông Tư đi lại nhanh nhẹn như một người đàn ông trung niên, tự tay pha trà mời khách, nói chuyện từ tốn, gần gũi. Ngôi nhà ông nằm cặp bên con suối chảy róc rách, chỉ cần nối ống dây vào giữa dòng suối, dẫn vào bếp là có nước xài quanh năm. Dòng suối này cung cấp nước tự nhiên cho cư dân núi Cấm tưới rẫy, vườn, chăm sóc rừng trồng. “Ở đây chỉ có bất lợi là đi lại phải cuốc bộ, xa chợ, phố phường nhưng cuộc sống rất yên bình, thoải mái. Khí hậu núi Cấm mát mẻ quanh năm nên hầu như không cần xài quạt” - ông Tư cười sảng khoái.
Có thể với nhiều người, chẳng mấy ai chọn sống theo triền núi bởi dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, các dịch vụ tiện ích hầu như không có. Tuy nhiên, về phương diện sức khỏe thì những nơi khác khó sánh bằng cư dân núi Cấm. Việc đi bộ giúp họ tập thể dục thường xuyên. Hàng ngày, những loại rau rừng, cây, con nuôi trồng trên núi cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chứa vị thuốc tự nhiên, phòng bệnh hiệu quả. Có lẽ đó là “bí quyết” giúp thầy Ba Lưới thọ hơn trăm tuổi, những người như ông Tư “Núi Cấm” qua tuổi 90 vẫn khỏe mạnh, minh mẫn…
Vô tình phát hiện thuốc quý
Băng qua những tuyến đường rừng ở khu vực vồ Bạch Tượng, rất dễ bắt gặp những cây lan dại mọc ven theo vách đá. Trong đó có loại lan thân cây thấp bé, phủ dọc lối đi, trên đỉnh cây trổ những cánh hoa tím nhỏ xíu, trông như nàng tiên nữ tí hon. Thấy loài hoa lạ dễ thương, mấy người trong đoàn nhổ vài cây làm kỷ niệm. Lúc ghé nhà ông Tư “Núi Cấm”, thấy chúng tôi cầm trên tay những cây lan bé bổng, cô Bảy Hoa (người có thâm niên giữ rừng hơn 20 năm) tỏ vẻ ngạc nhiên: “Mấy cô, chú cũng biết loài lan quét này nữa hả”. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của đoàn khách khi nghe tên gọi “lan quét”, cô Bảy Hoa cười giải thích: “Tên đó do cư dân núi Cấm đặt. Loài lan này tuy thân nhỏ nhưng sức sống rất mạnh mẽ, đặc biệt lá của nó hỗ trợ trị bệnh tiểu đường đại tài”.
Cây lan quét mọc hoang có tác dụng trị bệnh tiểu đường
Cô Bảy Hoa cho biết, tác dụng trị tiểu đường của lan quét đã được kiểm chứng thực tế. “Chính những người bị tiểu đường đã thử nghiệm tác dụng của lan quét. Trường hợp bị nhẹ, mỗi ngày chỉ cần ăn một lá tươi là đường trong máu ổn định bình thường. Với người bị tiểu đường tuýp II, họ đã dùng máy test đường huyết tại chỗ để kiểm tra. Trước và sau khi nhai lá lan quét, lượng đường trong máu giảm còn phân nửa. Ở vùng này, chúng tôi vẫn sử dụng lá lan quét như loại rau hàng ngày, có thể ăn tươi hoặc luộc đều ngon. Không biết có phải do ăn loại lá này thường xuyên không mà người dân nơi đây hầu như không bị tiểu đường” - cô Bảy Hoa chia sẻ.
Cũng vô tình trong lúc đi thăm rừng, ông Phạm Văn Hải (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, Tịnh Biên) phát hiện ra loài sâm núi. “Chúng có thân dây, bò chi chít lên thân cây rừng. Thấy lá giống với lá sâm (lá mối) dưới đồng bằng nhưng dày và thô hơn, tôi hái về vò thử với nước. Để một thời gian, sâm đặc lại, dai hơn sâm bình thường, ăn rất mát, ngủ ngon giấc”- ông Hải bộc bạch.
Dọc tuyến đường rừng ở khu vực vồ Bạch Tượng, ông Hải có thể nhớ chính xác vị trí từng loại cây thuốc, tác dụng điều trị bệnh của chúng. “Hồi trước, có rất nhiều loài thuốc quý mọc hoang trên núi Cấm nhưng do những đoàn người kéo nhau lên núi khai thác vô tội vạ, lượng cây thuốc dần cạn kiệt, trở nên hiếm. Cùng với bảo tồn tự nhiên, chúng tôi đã tổ chức trồng lại để phục hồi những vị thuốc này. Đồng thời, ngăn không cho người lạ vào rừng lấy thuốc. Ai có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng chỉ dẫn nhưng kiểu khai thác bứng cả gốc rễ, cây non thì dứt khoát không được” - ông Hải nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN