Những chiến sĩ phòng, chống dịch trên sông

03/08/2021 - 14:15

 - Chòng chành trên những con sóng bất kể ngày đêm, những cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang phải hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, gian khổ hơn so với đường bộ. Nhưng khó đến đâu họ cũng phải vượt qua, để cùng cả tỉnh giữ vững thành trì chống dịch COVID-19.

Từ cuối tháng 5 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang đã phối hợp các đơn vị liên quan thành lập 8 chốt kiểm soát đường thủy (2 chốt biên giới và 6 chốt nội địa), ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Đối với các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở nội địa, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên sử dụng loa phát thanh, loa cầm tay để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định.

Qua đó, tiến hành kiểm tra gần 9.000 lượt phương tiện, với trên 21.000 lượt thuyền viên được cho khai báo y tế; buộc quay đầu gần 300 lượt phương tiện và 800 lượt người; test nhanh kháng nguyên hơn 1.000 trường hợp.

Tại Thủy đội (Chốt kiểm soát dịch trên sông Hậu, địa phận phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) hiện có 9 đồng chí đang công tác, gồm: 7 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát đường thủy, 1 cán bộ y tế và 1 đoàn viên. Họ chia thành 4 ca, mỗi ca thực hiện nhiệm vụ 6 giờ. Quá trình công tác, sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ ở Thủy đội  nhận được nhiều sự quan tâm, thăm hỏi, động viên từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương.

Đặc biệt, các chủ bè nuôi cá trên sông sẵn sàng bố trí chỗ ở, hỗ trợ về vật chất cho lực lượng. Có thời gian, cán bộ, chiến sĩ ở chốt phải sử dụng nước sông để tắm giặt, bất tiện vô cùng. Hiện nay, người dân đã chia sẻ điện, nước để giúp Thủy đội có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, yên tâm làm nhiệm vụ.

Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau nấu ăn. Thời gian này, dù hết ca trực, họ vẫn phải túc trực tại đơn vị 100%, không trở vào bờ. Bất tiện trong đi lại, nên người dân địa phương giúp họ mua thức ăn dự trữ trong 2-3 ngày.

Bữa ăn chiều đơn giản, chỉ có vài cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên. Những thành viên còn lại thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên sông, tiếp nhận người dân đến khai báo y tế…, sẽ tranh thủ ăn sau.

Sau khi ăn, trung tá Nguyễn Văn Thanh, Thủy Đội trưởng lại tiếp tục căng mắt quan sát trên sông Hậu. Anh Thanh chia sẻ: “Hiện nay, đang là mùa nước đổ, cộng với nhiều trận mưa liên tục, khiến công tác chống dịch trên đường thủy gặp rất nhiều khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ lẫn người dân lưu thông trên sông. Muốn yêu cầu họ cập bờ để kiểm tra, khai báo y tế, cần phải mất công sức, thời gian hơn”.

Đặc biệt, đang vào cao điểm thu hoạch lúa, phương tiện chuyên chở lúa thường xuyên lưu thông. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc: kiểm tra nhanh, gọn, không gây khó khăn cho người dân, nhưng vẫn phải đảm bảo quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2, khai báo y tế… Trường hợp nào vào địa phận An Giang không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 thì buộc quay đầu.

Quy định giới nghiêm ban đêm được áp dụng nghiêm túc trên đường bộ lẫn đường thủy. Bắt đầu sau 18 giờ, cán bộ, chiến sĩ nhắc nhở tất cả phương tiện cặp bờ, chỉ được di chuyển sau 5 giờ sáng hôm sau. Đồng thời, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, như: lúa, gạo, nếp, cá, rau, củ và trái cây lưu thông đúng khung giờ trên; nhắc nhở người điều khiển phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa này phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Chốt được đặt trên sông Hậu, ngay cửa ngõ đường thủy của tỉnh An Giang. Vì vậy, một trong những công việc quan trọng của chốt là kiểm tra giấy tờ, kết quả xét nghiệm của người trên phương tiện thủy, tránh để lọt mầm bệnh vào địa bàn. Công việc kéo dài suốt đêm, dù lưu lượng người qua lại trên sông đã thưa thớt hẳn.

Chiều 2-8, một nhà hảo tâm gửi tặng chốt kiểm soát 50kg bắp. Trời càng về khuya, trên sông càng tĩnh lặng, chỉ còn ánh đèn rực rỡ của phố thị. Trên tàu, các cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau ăn nghỉ ngơi một lát, ăn trái bắp nóng để tỉnh táo tiếp tục ca trực.

Bên trong buồng lái, sau khi hết ca trực, đại úy Lê Văn Phát chờ đợi kết nối điện thoại với gia đình. Nhà chỉ cách vài km, nhưng hơn 1 tháng nay, anh bám trụ trên sông, tạm xa người vợ trẻ và 2 đứa con nhỏ. Dù họ thấu hiểu, chia sẻ với nhiệm vụ của anh, nhưng nỗi nhớ cứ tràn đầy, chỉ có thể gặp nhau qua màn hình điện thoại.

Cô con gái 9 tuổi của anh ngoan ngoãn chúc ba hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm trở về nhà. “Mỗi chuyến đi công tác xa, tôi hứa với các con sẽ mua quà, sẽ chở chúng đi chơi nhiều hơn, xem như một cách bù đắp những ngày tôi vắng mặt. Giống như tâm trạng của cả đất nước hiện giờ, tôi mong dịch bệnh sớm chấm dứt, để mọi người dân và lực lượng làm nhiệm vụ như chúng tôi có cuộc sống bình thường, không còn xa cách gia đình nữa” – anh Phát bày tỏ.

GIA KHÁNH