Nigeria
Cử tri Nigeria bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Kaduna ngày 23/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Các cuộc bầu cử ở quốc gia đông dân nhất châu Phi sẽ diễn ra vào ngày 25/2 trong bối cảnh tình hình an ninh không ổn định.
Các văn phòng ủy ban bầu cử của Nigeria đã phải đối mặt với một loạt cuộc tấn công bạo lực trong những năm gần đây. Ngày 25/12/2022, những kẻ tấn công ở Imo (Tây Nam Nigeria) đã phóng hỏa một văn phòng và có gần 50 văn phòng của ủy ban bầu cử đã bị phá hủy kể từ cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019.
Bạo lực do các nhóm ly khai và cực đoan gây ra đã khiến an ninh trở thành một vấn đề quan trọng đối với cử tri Nigeria.
Ông Darren Kew, Giáo sư tại Đại học Massachusetts Boston và là chuyên gia về chính trị Nigeria, cho biết: “Bạo lực trở thành mối quan tâm hàng ngày của người Nigeria. Ở hầu hết các khu vực đô thị lớn, thường xuyên xảy ra các vụ bắt cóc… Việc này đã vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Tổng thống Muhammadu Buhari, lãnh đạo đảng All Progressive Congress (APC) trung tả, sẽ không tham gia tranh cử vì quy định về giới hạn nhiệm kỳ. APC đã tiến cử cựu Thống đốc Lagos, ông Asiwaju Ahmed Tinubu, tranh cử thay cho ông Buhari.
Hơn một chục đảng có các ứng cử viên tham gia và nếu không ai trong số họ giành được đa số, Nigeria sẽ có cuộc bầu cử vòng hai đầu tiên. Những người đang tranh cử gồm cựu Phó Tổng thống Alhaji Atiku Abubaker, người lãnh đạo đảng đối lập chính là đảng Dân chủ Nhân dân trung hữu và ứng cử viên đảng Lao động Peter Obi.
Pakistan
Pakistan phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị và khí hậu lớn vào năm 2022. Lũ lụt lớn vào tháng 8/2022 đã làm ngập một phần ba đất nước, khiến trên 33 triệu người phải di dời và ít nhất 1.400 người thiệt mạng.
Chỉ vài tháng trước đó, vào tháng 4/2022, cựu Thủ tướng Imran Khan, thuộc đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI), đã bị phế truất sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ông Shehbaz Sharif thuộc Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) thay thế ông Khan làm thủ tướng.
Chính phủ của ông Sharif đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế ở Pakistan, lũ lụt và tình trạng tấn công khủng bố gia tăng.
Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan phát biểu tại một hội nghị ở Lahore ngày 21/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Về phần mình, ông Khan đã tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ sâu rộng kể từ khi bị cách chức. Vào tháng 8/2022, Pakistan buộc tội ông Khan theo đạo luật chống khủng bố sau khi ông chỉ trích các quan chức hàng đầu về việc bắt giữ chánh văn phòng của mình. Cơ quan thực thi pháp luật buộc tội ông đe dọa các quan chức. Vào tháng 9/2022, một tòa án cấp cao đã hủy bỏ các cáo buộc nhằm vào ông Khan và vào tháng 11/2022, ông Khan bị thương trong một vụ ám sát hụt.
Ông Khan đã lập luận rằng chính phủ Pakistan hiện tại là bất hợp pháp. Ông cũng đã nhiều lần cho rằng Mỹ có liên quan trong vụ ông bị lật đổ dù không cung cấp bằng chứng.
Các chuyên gia cho rằng dấu hỏi lớn là khi nào cuộc bầu cử sẽ diễn ra, đặc biệt là khi ông Khan đang gây áp lực buộc chính phủ phải tổ chức bầu cử sớm hơn. Theo hiến pháp, cuộc bầu cử ở Pakistan phải diễn ra muộn nhất vào ngày 12/10.
Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara ngày 22/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Thời gian cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp thử thách gay gắt nhất vào ngày 18/6. Ông Erdoğan là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 đến 2014 và là tổng thống từ năm 2017.
Tuy nhiên, ông Erdoğan đã mất dần sự ủng hộ trong những năm gần đây, một phần là do khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lạm phát đã vượt quá 80%.
Các đối thủ chính của ông Erdoğan có thể sẽ xuất hiện từ Liên minh Millet (một liên minh gồm các đảng chưa chọn ứng cử viên tổng thống) và Liên minh Lao động và Tự do do Đảng Dân chủ Nhân dân lãnh đạo, vốn nhận được nhiều sự ủng hộ từ người Kurd thiểu số của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông H.A. Hellyer, một học giả Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, nhận định: “Tổng thống Erdoğan tự mình có thể thu hút được rất nhiều sự ủng hộ của dân chúng và không rõ liệu ngay cả một liên minh các nhà lãnh đạo đối lập có thể thách thức ông hay không”. Ông Hellyer nói thêm: “Tổng thống Erdoğan có dấu hiệu cho thấy ông sẽ không tiếp tục cầm quyền vô thời hạn, ngay cả nếu ông thắng trong cuộc bầu cử tới. Đây có thể là cuộc bầu cử cuối cùng của ông ấy”.
Argentina
Vào ngày 29/10, người dân Argentina sẽ bầu tổng thống, các thành viên của quốc hội và thống đốc ở hầu hết các tỉnh.
Một gian hàng trong siêu thị tại Buenos Aires (Argentina). Ảnh: AFP/TTXVN
Khủng hoảng kinh tế của Argentina có thể sẽ ảnh hưởng đến cử tri. Lạm phát đã lên tới 88% trong 12 tháng tính đến tháng 10/2022.
Tổng thống Alberto Fernández thuộc liên minh trung tả Frente de Todos cho biết ông sẽ tái tranh cử. Ông có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính đảng của mình cũng như từ nhà kinh tế học bảo thủ Javier Milei, một ứng cử viên thuộc liên minh La Libertad Avanza. Ông Milei cho biết ông phản đối tất cả các loại thuế.
Vào tháng 9/2022, xảy ra một âm mưu ám sát bất thành nhằm vào bà Cristina Fernández de Kirchner, Phó Tổng thống hiện tại và là Tổng thống từ năm 2007 đến năm 2015. Bà Kirchner đã từng tỏ dấu hiệu sẽ tái tranh cử, nhưng đã bị kết án vì tội tham nhũng vào đầu tháng này và bị cấm giữ chức vụ công.
Bangladesh
Chính phủ hiện tại của Bangladesh đã nắm quyền từ năm 2009. Nhưng các chuyên gia và chính trị gia đối lập đã cáo buộc Liên đoàn Awami trung tả tranh cử không công bằng.
Trong cuộc bầu cử năm 2018, đảng này đã chiếm hơn 95% trong số 298 ghế quốc hội.
Mới tháng 12/2022, các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng, hàng trăm người ủng hộ phe đối lập bị bắt giữ khi kêu gọi Thủ tướng Sheikh Hasina Wazed từ chức.
Cuộc bỏ phiếu tại Bangladesh dự kiến diễn ra vào tháng 12, có thể quyết định liệu nền dân chủ phát triển hay thu hẹp ở Bangladesh.
Theo Báo Tin Tức