Trong khoảng 4,5 tỷ năm hình thành và tồn tại, Trái Đất là hành tinh duy nhất có sự sống trong Hệ Mặt trời. Cho đến nay, có rất nhiều thông tin đặc biệt về Trái Đất mà giới nghiên cứu ít khi tiết lộ.
Trái Đất có vành đai như Sao Thổ
Trái Đất có vành đai thiên thạch bao quanh như Sao Thổ. (Ảnh: NASA)
Khoảng 750 triệu năm trước, Trái Đất được bảo phủ hoàn toàn trong băng tuyết. Ngay cả vùng xích đạo, nơi ấm nhất trên hành tinh, nhiệt độ cũng ở mức âm 20 độ C.
Thời kỳ này kéo dài gần 120 triệu năm, được giới khoa học gọi là “Kỷ Băng hà”. Theo các giả thuyết, chính thời kỳ Băng hà này hình thành hệ thống các vành đai quanh Trái Đất, giống như Sao Thổ ngày nay.
Nhà khoa học Mỹ Peter Fawcett và Mark Boslow cho rằng, ngay trước khi Trái Đất biến thành quả cầu băng, một tiểu hành tinh khổng lồ rơi xuống bề mặt hành tinh của chúng ta.
Cú va chạm mạnh khiến các mảnh vụn đá từ thiên thạch khổng lồ trên bay vào không gian gần Trái Đất và hình thành vành đai bay quanh Trái Đất. Chính các mảnh thiên thạch này ngăn cản ánh sáng Mặt Trời chiếu trực tiếp vào Trái Đất, dẫn đến bề mặt bị đóng băng.
Tuy nhiên, hệ thống vành đai này không ổn định và nhanh chóng biến mất khỏi quỹ đạo Trái Đất. Sự ảnh hưởng thủy triều Mặt Trăng và gió Mặt Trời giúp Trái Đất thoát khỏi vành đai thiên thạch trong khoảng 34 triệu năm trước.
Mặt Trăng là một phần của Trái Đất
Trái Đất va chạm với thiên thể khổng lồ Theia, hình thành nên Mặt Trăng. (Ảnh: NASA)
Các nhà khoa học từ Đại học California (Mỹ) phát hiện, ngay sau khi Trái Đất hình thành, một vật thể trong không gian có kích thước bằng sao Hỏa, đâm trực tiếp vào hành tinh chúng ta.
Trái Đất và thiên thể khổng lồ này, được gọi là Theia, va chạm ở tốc độ rất cao. Theia phá tan lớp vỏ của Trái Đất. Một phần Trái Đất bị tan chảy hoàn toàn và bay vào không gian. Dần dần, các hợp chất này và thiên thạch vũ trụ tập trung lại, hình thành nên Mặt Trăng.
Do đó, cấu tạo bề mặt Mặt Trăng ngày nay có thành phần đất giống như ở Trái Đất. Quá trình trên xảy ra chỉ vài tỷ năm trước.
Viên đá cổ nhất Trái Đất được tìm thấy trên Mặt Trăng
Viên đá cổ nhất có niên đại 4,4 tỷ năm được phát hiện trên Mặt Trăng. (Ảnh: NASA)
Trái Đất hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước, sau vụ nổ khổng lồ của Mặt Trời. Trái Đất lúc đó là một quả cầu lửa lớn, bị bao phủ bởi dòng chảy magma trên khắp bề mặt. Sau 100 triệu năm, hành tinh của chúng ta dần hạ nhiệt và hình thành lớp đá rắn trên bề mặt.
Các nhà khoa học tìm thấy mảnh đá lâu đời nhất trên Trái Đất, có niên đại 4,4 tỷ năm trước. Đó là một tinh thể zircon nhỏ được chiết xuất từ lớp vỏ Trái Đất ở phía Tây Australia.
Trước đó, tảng đá khác làm từ zircon, thạch anh và fenspat được con người tìm thấy trên Mặt Trăng năm 1971. Ở độ sâu 20 km, các nhà khoa học phát hiện loại đá có cùng độ tuổi lâu đời của Trái Đất, bị tách ra do va chạm với thiên thể Theia và hình thành nên Mặt Trăng.
Chỉ còn một lục địa trên Trái Đất trong tương lai
Siêu lục địa Last Pangea sẽ được hình thành trong 250 triệu năm nữa?
Khoảng 3 triệu năm trước, siêu lục địa Pangue, do tác động của vỏ Trái Đất, bị chia thành 2 phần là Laurasia và Gondwana. Sau đó, tiếp tục chia thành 8 phần nữa là lục địa Á-Âu, Bắc và Nam Mỹ, châu Phi, châu Úc, Nam Cực, bán đảo Ả Rập và Ấn Độ.
Theo các nhà nghiên cứu, sau 250 triệu năm nữa, các châu lục trên Trái Đất sẽ hợp thành một siêu lục địa, được gọi là Last Pangea hoặc Aurika, Ammazia. Các nhà địa chất thuộc Đại học Yale (Hoa Kỳ) cho rằng, siêu lục địa Last Pangea sẽ nằm trên khu vực Bắc Băng Dương. Các nhận định khác cho rằng, siêu lục địa sẽ nằm đối diện với Pangea cổ đại, được bao quanh bởi Thái Bình Dương.
Theo BẠCH DƯƠNG (VTC News)