Những đôi mắt trong mùa dịch

16/10/2021 - 08:44

 - Khẩu trang chẳng che giấu được hết biểu cảm của con người trong mùa dịch bệnh. Cung bậc cảm xúc luôn dồn nén vào đôi mắt, trong cái nhíu mày. Tôi góp nhặt những biểu cảm ấy trong nhiều chuyến tác nghiệp. Muôn màu, muôn vẻ, như cuộc sống vốn có…

Dọc theo biên cương An Giang là những ánh mắt canh gác ngày đêm của cán bộ, chiến sĩ ở nhiều lực lượng, chủ lực là bộ đội biên phòng. Gần 2 năm qua, họ căng mình trên đường biên, thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Gác lại tình riêng, lợi ích cá nhân, các anh luôn là lực lượng xung kích tuyến đầu. 

Tháng ngày “nếm mật nằm gai”, chịu đựng gian khổ, vất vả in hằn trên đôi mắt của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đôi mắt đỏ vằn, đầy tơ máu vì thức nhiều đêm liên tục, vì áp lực công việc mỗi ngày.

Đôi mắt của một chiến sĩ Công an TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) trong quá trình làm nhiệm vụ ở khu phong tỏa (tháng 8-2021). Giữa cái nắng ngột ngạt ban trưa, trong lớp trang phục bảo hộ, đôi mắt đầy kiên định.

Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Thủy Đội trưởng (Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang) dõi theo phương tiện thủy trên sông, liên tục phát tín hiệu chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tổ tuần tra, kiểm soát. Nắng gió hanh hao khiến da đen sạm, đôi mắt hằn sâu chân chim.

Tôi bị ám ảnh bởi đôi mắt buồn thương của bà Lê Thị Sét (sinh năm 1931, ngụ xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Bà đứng bên hiên nhà, đau đáu nhìn ra ngoài cổng, chờ nhận tro cốt đứa con gái tội nghiệp qua đời vì COVID-19. Người già, vốn mệt mỏi sau bao thăng trầm cuộc sống, giờ lại gánh chịu thêm nỗi đau “đầu bạc tiễn đầu xanh”. Nước mắt cứ quẩn quanh trong hốc, bám chặt tâm tình của bà.

Tháng trước, bà N.P. (sinh năm 1973, ngụ ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) mất vì dịch bệnh COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh, bỏ lại mọi thứ ở quê nhà. Ngày bà “trở về”, đón bà là ánh mắt chết lặng của người thân, là những nỗi niềm tang thương trong vùng quê vốn yên ả.

Chị Trần Thị Nhớ (sinh năm 1982, ngụ huyện Phú Tân) đi làm ăn ở tỉnh Bình Dương, may mắn được đón rước về An Giang vào cuối tháng 9-2021, khi sắp đến ngày sinh nở.  Lúc chúng tôi đến thăm, chị quay mặt đi, nước mắt cứ rơi. Chị bảo: “Tôi tủi thân lắm, sắp sinh mà lại xa gia đình. Nhưng tôi cũng mừng vì mình được bình an về quê”. Trong đôi mắt chị, chất đầy nỗi lo của một sản phụ chờ sinh, của một người vợ mong chồng, của một người xa quê vừa trở về…

Cái nhăn mặt, nhíu mày rất dễ thương của một phụ nữ trung niên ở xã Khánh An (huyện An Phú). Bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng cộng đồng toàn xã. Cán bộ y tế đã trấn an “Không đau xíu nào đâu bà ơi!”, nhưng bà vẫn “thủ sẵn” biểu cảm như thế. Đến lúc tiêm xong, bà thở phào: “Ủa, tính ra đâu có đau gì đâu cà?”.

Tháng 10, một số lượng lớn người dân An Giang đi làm ăn xa trở về quê hương “trốn dịch”. Trong dòng người ấy, đầy ắp ánh mắt ngây thơ của trẻ con. Chị Đặng Thị Diệu Hiền (sinh năm 1995, ngụ huyện Thoại Sơn) đang mang thai hơn 8 tháng, quyết định trở về quê nhà sinh nở. Cậu con trai lớn của chị đang líu lo trò chuyện, thấy máy ảnh của tôi lại im bặt, rụt rè quan sát. Bé chưa hiểu được tâm tình của người lớn, chưa hiểu được cuộc sống đang trong lúc khó khăn, ánh nhìn cứ trong veo…

Trong cơn bão dịch COVID-19, chẳng thể nào thiếu những ánh mắt cười, khi chúng ta yêu thương nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn. Đôi mắt vui tươi của một hộ dân ở làng ghe Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) trong ngày nhận quyết định bàn giao nhà Đại đoàn kết ở khu dân cư là minh chứng điển hình. 

Chẳng có đất, chẳng có tiền, họ từng nấn níu cuộc sống nhờ vào chiếc ghe bập bềnh trên sông. “Đùng một cái”, họ được tặng căn nhà khang trang, từ nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, địa phương. “Bỗng dưng có nhà”, lại ngay mùa dịch bệnh hoành hành, niềm hạnh phúc cứ thế đong đầy trong mắt họ!

GIA KHÁNH