Gần 1 tháng nay, gian hàng vì phụ nữ nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Thành trở thành điểm hẹn xôm tụ. Thật ấm áp khi thấy từng chiếc xe đầy ắp rau, củ tươi tốt, ngon lành được chất đầy, xếp gọn vào bọc, chỉn chu thành hàng. Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Thành Huỳnh Ngọc Duyên cho biết, trên địa bàn xã còn khá nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, hơn 200 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Lúc đầu, chị em định tặng một ít thực phẩm hàng ngày. “Chúng tôi vận động các điểm bán rau, nhà vườn ngoài địa phương rồi tự chở về, mỗi chuyến xe khoảng 1-2 tấn rau củ. Một tuần, gian hàng mở cửa 2 ngày phục vụ bà con. Trừ những người được nhận trực tiếp, “Chuyến xe 0 đồng” chở vòng khắp xã, trao tận nhà cho người không có điều kiện” - chị Duyên thông tin. Không ngờ, việc làm này được rất nhiều người ủng hộ, các nhà hảo tâm còn chở nông sản đến tận nơi cho. Thấy vậy, gian hàng mở rộng giúp nhiều đối tượng hơn. Bất kỳ ai đến đều được nhận rau củ theo nhu cầu, không giới hạn số lượng.
Phân loại các rau, củ tại gian hàng miễn phí của phụ nữ xã Phú Thành
Tại xã vùng sâu Phú Thành, việc hỗ trợ nông sản cho người dân có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện tại văn phòng ấp, từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, hoạt động duy trì không thường xuyên, do lực lượng đoàn thể xã tập trung chống dịch. Hiện nay, gian hàng được dời sang nhà của chị Trần Thị Hoàng Mai. Không chỉ cho mượn không gian để tập kết nông sản, vợ chồng chị Mai còn nhiệt tình đi vận động nông sản lân cận, góp phần phong phú rau củ hàng ngày. Ngoài nguồn thực phẩm, gian hàng tiếp nhận và cho quần áo, cặp, sách... theo tình hình thực tế.
Cùng thuộc vùng sâu, xã Hiệp Xương mở “Cửa hàng áo dài 0 đồng” do Khối vận thực hiện. Khai trương vào trung tuần tháng 4/2022, cửa hàng đặt tại Văn phòng ấp Hiệp Thuận, hoạt động theo phương châm “Ai dư thì cho, ai thiếu nhận về”, mở cửa phục vụ ngày 15 và 29 (âm lịch) hàng tháng. Mỗi người dân khi đến cửa hàng được nhận 1 bộ áo dài, ngoài ra còn có các vật dụng, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt gia đình…
Cửa hàng đặc biệt này nhằm góp phần tôn vinh hình ảnh áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ. Đồng thời, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có bộ áo dài mặc, khuyến khích mặc áo dài thường xuyên trong dịp lễ, Tết, sự kiện quan trọng…
Duy trì hình thức hỗ trợ cho người nghèo vật dụng cần thiết, tại trung tâm thị trấn Phú Mỹ còn có “Cửa hàng 0 đồng” (do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện quản lý). Bà Lê Thị Kim Linh (quản lý cửa hàng) cho biết, được san sẻ với người nghèo, đội ngũ tình nguyện viên cảm thấy rất mừng. Phấn khởi hơn là, sau thời gian gián đoạn phục vụ, các tổ chức, cá nhân luôn đồng hành, ủng hộ vật phẩm và thậm chí nhiệt tình hơn giai đoạn trước.
Mỗi khi bà Linh đăng thông tin kêu gọi trên mạng xã hội facebook, zalo, luôn có người ở huyện, kể cả ngoài tỉnh gửi đồ đến cho. Từng món đồ được thành viên tình nguyện tuyển lựa lần nữa, giặt sạch, xếp ngay ngắn hoặc treo trang trọng lên giá. Hoạt động trở lại khoảng 2 tháng nay, cửa hàng đón nhận vật phẩm quy giá trị hơn 100 triệu đồng, nhiều nhất là quần áo, giày, nón, mùng, mền... Những ngày cao điểm, 20-30 người đến cửa hàng xin nhận vật dụng theo nhu cầu.
“Thương cảm nhất là hoàn cảnh ở xa, lặn lội đến nhận món đồ đang thiếu. Cũ với mình, nhưng mới đối với họ. Sau giai đoạn dịch bệnh, đời sống người dân bị tác động về mọi mặt, tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Những hình thức giúp đỡ thiết thực lúc này giúp họ phần nào cảm thấy được quan tâm, chia sẻ, sớm ổn định cuộc sống”- bà Linh chia sẻ.
Không chỉ có gian hàng miễn phí, các đợt hỗ trợ cho người nghèo sau đại dịch vẫn được địa phương vận động đều đặn để đảm bảo an sinh, không bỏ quên người nghèo. Nhờ sự chung sức của những người có cùng tinh thần thiện nguyện, mà gian hàng, cửa hàng miễn phí trở thành nhịp cầu yêu thương, kết nối người cho và người nhận. Sự sẻ chia, giúp đỡ vì thế càng nhân lên ý nghĩa. Hành động nghĩa tình, “nhường cơm sẻ áo” giai đoạn nào cũng có, dù trong thời khắc cam go hay bước vào cuộc sống bình thường mới, đã trở thành một phần cốt cách con người xứ đạo Phú Tân nói riêng, người An Giang nói chung.
MỸ HẠNH