Ông Nguyễn Tấn Huyền
Đó là hoàn cảnh khó khăn của bà Trần Thị Thắm (ngụ ấp Hòa Thành, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Ngày còn khỏe mạnh, bà cùng chồng (ông Nguyễn Tấn Huyền, 78 tuổi) đi cắt lúa, làm cỏ mướn, khuân vác để có tiền nuôi 7 đứa con nên người. Nay tuổi già sức yếu, ông Huyền bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay. Do phải bận rộn chăm sóc chồng cả ngày và lớn tuổi (68 tuổi), bà Thắm không còn sức để lao động như trước đây. Vì vậy, tiền sinh hoạt mỗi ngày, thuốc cho chồng bà Thắm đều phải trông chờ vào thu nhập ít ỏi của các con gửi về.
“Hai năm nay do dịch bệnh, đứa nào làm việc cũng rất khó khăn, vất vả, có đứa còn thất nghiệp nhiều tháng liền nên tôi không dám gọi, có được đồng nào hay đồng đó, chủ yếu là để lo cơm cháo, thuốc men cho ông nhà. Nếu có được sự chia sẻ, giúp đỡ từ nhà hảo tâm, tôi sẽ bớt áp lực hơn khi cuộc sống trôi qua mỗi ngày” - bà Thắm bộc bạch.
Ông Huỳnh Thanh Liêm
Đó còn là hoàn cảnh của ông Huỳnh Thanh Liêm (ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành) khi mang trong người căn bệnh u ác ở gan, lao phổi kéo dài nhiều năm. Mặc dù 2 người con của ông đi làm ăn xa, có gửi tiền về chăm lo cho cha nhưng với bệnh tình diễn biến ngày càng nặng, chi phí điều trị ngày càng cao nên cũng không thể lo nỗi.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hường (57 tuổi, vợ ông Liêm) cho biết: “Từ trước đến nay, gia đình rất khó khăn mà ông nhà lại đau bệnh nhiều năm nên tôi đã không còn lo xuể. Chỗ nào vay mượn được, tôi cũng đã vay mượn rồi, nhưng không thấm vào đâu so với tiền điều trị mỗi tháng cho ông ấy. Căn nhà mục nát của gia đình nay cũng không thể duy trì do cất trên phần đất của người khác, giờ họ lấy lại, gia đình tôi chưa biết tính sao”.
Đến khu dân cư thuộc ấp Mỹ Thới (xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn), chúng tôi rất đỗi xót xa trước cảnh nghèo khó và đau bệnh của vợ chồng người đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đó là ông Tăng Tan (72 tuổi). Mỗi ngày, ông phải chịu nhiều đau đớn, ăn ngủ kém đến từ căn bệnh tăng huyết áp, xơ gan thoát vị rốn và viêm phổi. Phát hiện căn bệnh xơ gan từ 2 năm trước, ngay sau đó các căn bệnh khác cũng lần lượt kéo đến.
Ông Tăng Tan
Ông Tan cho biết: “Tôi có 4 đứa con, chúng đều khó khăn, đứa làm gần, đứa làm xa để lo cho cuộc sống. Lúc trước, tôi còn khỏe, đi làm mướn để con cái không phải bận tâm. Giờ sức khỏe yếu kém lại đeo mang nhiều bệnh tật. Đến kỳ tái khám nhưng vợ chồng tôi không lo được tiền khám bệnh và lãnh thuốc. Số tiền do con trai làm nghề phụ hồ không đủ trang trải cho chi phí sinh hoạt và mua các loại thuốc trị bệnh cho tôi".
Bà Dương Thị Linh (64 tuổi, vợ ông Tan) tiếp lời: “Mấy tháng nay, ở quê không ai mướn làm hồ, không đi phụ công trình được, nên con tôi đi theo máy cắt, phụ cắt lúa mướn cho chủ máy cắt ở nhiều nơi. Thu nhập chưa biết kiếm được bao nhiêu mà giờ ông nhà phải uống thuốc mỗi ngày, phải tái khám nhưng gia đình không còn tiền xoay xở. Có khoảng thời gian, ông nhà mệt mỏi nhiều, cần đưa đi cấp cứu, tôi đành đi vay mượn tạm”.
Ông Lương Văn An (người thường xuyên làm công tác thiện nguyện tại xã Định Thành) cho biết: “Cả 3 gia đình đều rất khó khăn. Mỗi tháng tôi đều chuyển những túi gạo, phần quà của nhà hảo tâm đến từng gia đình để họ phần nào vơi bớt khó khăn. Thế nhưng, còn chi phí lo thuốc mỗi ngày, mỗi khi đi cấp cứu ở bệnh viện thì họ khó lòng xoay trở. Tôi rất mong những tấm lòng nhân ái gần xa chung tay giúp đỡ để các gia đình có điều kiện điều trị bệnh”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ.
|
NGỌC GIANG