Những kẻ bịt mặt tấn công đại học Ấn Độ khiến 23 người bị thương

06/01/2020 - 16:08

Ngày 5/1, hơn 20 người đã bị thương sau khi nhóm người bịt mặt xông vào khuôn viên trường Đại học ở New Delhi và tấn công sinh viên bằng gậy.

Trong bối cảnh căng thẳng về luật quốc tịch của chính phủ và vấn đề tăng học phí, một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội vào ngày 5/1 cho thấy, những kẻ bịt mặt đã xông vào khuôn viên trường Đại học Jawaharlal Nehru (JNU) ở thủ đô của Ấn Độ và tấn công sinh viên bằng gậy, khiến 23 người bị thương.

Cảnh sát bên ngoài cổng trường Đại học Jawaharlal Nehru sau vụ đụng độ trong khuôn viên trường. Ảnh: AFP

Cảnh sát cho biết đây là cuộc xô xát giữa các nhóm sinh viên đối thủ nhưng các chính trị gia đối lập đã đổ lỗi cho một tổ chức sinh viên có liên quan đến Thủ tướng Narendra Modi.

Một sĩ quan cảnh sát cao cấp của New Delhi cho biết, hai nhóm ẩu đả với nhau và một số sinh viên đã bị thương. Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu cảnh sát can thiệp và tình hình hiện tại đã trong tầm kiểm soát.

Ấn Độ đã chứng kiến một loạt các vụ đụng độ bạo lực, khiến ít nhất hàng chục người thiệt mạng, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối luật quốc tịch sửa đổi gây tranh cãi được Chính phủ của Thủ tướng Modi thông qua vào tháng 12/2019. Hơn 100.000 người đã biểu tình tại thành phố Hyderabad vào ngày 4/1 để phản đối luật này.

Luật này cho phép New Delhi cấp quốc tịch cho những người thuộc nhóm các tôn giáo thiểu số của 3 quốc gia Hồi giáo láng giềng nhập cư vào Ấn Độ trước ngày 31/12/2014. Tuy nhiên, người Hồi giáo không nằm trong diện này đã gây ra làn sóng biểu tình phản đối.

Chính phủ đã mời nhiều ngôi sao Bollywood và những người nổi tiếng trong ngành điện ảnh tới một cuộc họp riêng ở thành phố Mumbai vào ngày 5/1 để thu hút sự ủng hộ cho điều luật mới này.

Một quan chức tại Viện Khoa học Y tế Ấn Độ (AIIMS) ở Delhi cho biết, những người bị thương, có vết rách, vết bầm tím, đang được điều trị tại bệnh viện.

Thống đốc New Delhi Arvind Kejriwal cho biết: “Đất nước làm sao có thể phát triển nếu sinh viên không được đảm bảo an toàn trong trường đại học?”.

JNU là trường đại học danh tiếng mà nhiều chính trị gia hàng đầu Ấn Độ theo học, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman và người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2019 Abhijit Banerjee.

Theo VOV