Buổi sáng, ở chợ Châu Phong, khách có thể ghé dùng điểm tâm với món phở bò chuẩn vị truyền thống của người Chăm. Vì là “xứ bò”, nên thịt tươi luôn có sẵn mỗi ngày, không phải dự trữ, nấu ngày nào hết ngày đó. Phần ngon nhất quyết định ở nước súp, cách thức nấu và lựa chọn nguyên liệu là bí quyết riêng của quán. Mùi thơm của các loại gia vị rất mạnh, nhưng nêm nếm thì vừa ăn.
Một số món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm không bán phổ biến, mà chỉ được thưởng thức vào các dịp lễ, hoặc gia chủ quý mến đãi khách đến thăm nhà. Tuy nhiên, chịu khó hỏi thăm, thì vẫn tìm được “quán mối” để muốn ăn lúc nào cũng có. Chẳng hạn quán A Li ở ngay trung tâm xã, được khách chấm điểm nhiều nhất là món cơm cà ri đậm đà, thích hợp để ăn bữa chính thật “chắc bụng”.
Món cà ri thường sử dụng thịt dê hoặc thịt bò để nấu, có thể đặt trước hoặc đi đúng dịp hội chợ là có thể thưởng thức.
Đặc điểm tín ngưỡng cộng với nếp sinh hoạt lâu đời khiến phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Chăm trở thành những người tháo vát, kỹ tính. Trong mỗi bữa ăn, họ quan tâm đến từng loại nguyên liệu khi chế biến và đa số sẽ tự làm tại nhà.
Vào những dịp đặc biệt hoặc theo tour tham quan, khách du lịch sẽ có cơ hội dùng bữa cơm được chuẩn bị cầu kỳ, có đầy đủ món đặc trưng, như: Cơm nị, cà púa, tung lò mò…
Cà púa ăn với cơm nị sẽ ngon hơn cơm trắng. Trong đó, cà púa chế biến bằng nguyên liệu thịt bò, chọn phần đùi để nấu sẽ mềm, ngấm trọn gia vị. Cơm nị nấu từ bơ, nho khô loại 1, sữa, nước cốt dừa, bột cà ri, bột ớt…
Đặc sản tung lò mò sử dụng phần mỡ rất ít để không gây ngán. Kèm trong mâm cơm có rau, dưa chua, nhằm dung hòa vị đậm đà của cà púa.
Bên cạnh món ăn chính, ở làng Chăm có rất nhiều loại bánh, trong đó không thể thiếu bánh bò nướng. Tuy là món ăn chơi, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số Chăm cũng sử dụng loại bánh này để ăn sáng thay cho các món điểm tâm, ăn trưa, ăn xế...
Sự phong phú trong ẩm thực, mà vẫn giữ lại truyền thống đặc trưng đã làm nên sức hút để làng Chăm “mở cửa” đón khách thập phương đến trải nghiệm, lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng nói riêng, của người An Giang nói chung.
MỸ HẠNH