Ngay từ sáng 13-2 (giờ địa phương), các quan chức đã tham dự một cuộc thảo luận về tương lai của INF cũng như cáo buộc của tổ chức này về việc Nga vi phạm các điều khoản của INF.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Moskva "nắm lấy cơ hội cuối cùng, quay lại tuân thủ INF và cứu vãn hiệp ước này."
Trong chương trình nghị sự tiếp theo, dự kiến, các bộ trưởng sẽ thảo luận vấn đề duy trì khả năng răn đe và phòng thủ tin cậy và hiệu quả, bao gồm sáng kiến sẵn sàng tác chiến của NATO, được gọi là "bốn 30," tức là các đồng minh phải có 30 tiểu đoàn bộ binh, 30 phi đội bay, 30 tàu chiến sẵn sàng được triển khai trong vòng 30 ngày.
(Nguồn: CNN)
Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ đề cập tới vấn đề chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng.
Liên quan đến cam kết của các quốc gia đồng minh về các khoản chi tiêu và khả năng đóng góp, Tổng Thư ký NATO cho rằng hiện xu hướng này đã tăng lên.
Kể từ năm 2016, các đồng minh châu Âu và Canada đã chi thêm 41 tỷ USD cho quốc phòng và "theo các báo cáo mới nhất, con số này dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm 2020."
Ngày 14-2, cuộc họp sẽ tập trung thảo luận các sứ mệnh và hoạt động của NATO, nhất là tại Afghanistan, Kosovo, Iraq cũng như các chiến dịch trên biển. NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan để tìm một giải pháp hòa bình và giúp Iraq ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các bộ trưởng sẽ có một cuộc thảo luận về hợp tác NATO-Liên minh châu Âu (EU) và những nỗ lực để củng cố trụ cột châu Âu trong NATO.
Ông Stoltenberg nhắc lại sự ủng hộ đối với các sáng kiến của châu Âu trong mục đích hỗ trợ chứ không phải là để cạnh tranh với các hoạt động của NATO.
Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Bắc Macedonia, Radmila Sekerinska, tham dự Hội nghị Bộ trưởng NATO với tư cách khách mời chính thức./.
Theo KIM CHUNG (Vietnam+)