Nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

09/06/2020 - 06:25

 - Những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã cung ứng ra thị trường những hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đã có rất nhiều vụ việc liên quan tới hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng được các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn. Song, quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn tính mạng.

Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, sản phẩm chất lượng, góp phần rất lớn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang Phan Lợi: “An Giang với quy mô dân số đông. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng năm đạt trên 100.000 tỷ đồng. Sức tiêu thụ hàng hóa của An Giang rất lớn. Sự phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ vô cùng phong phú đã đặt ra nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày một trọng trách hơn.

Bởi, bên cạnh những hàng hóa đảm bảo chất lượng, vẫn còn len lõi vào thị trường những hàng hóa kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Do đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Đòi hỏi sự khẩn trương vào cuộc của các cơ quan chức năng, ý thức của doanh nghiệp (DN) và trách nhiệm của người tiêu dùng”.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương phối hợp các DN triển khai chương trình “Mua sắm online, không lo dịch bệnh” đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Mới đây, nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm và mua sắm trực tuyến, Sở Công thương An Giang phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Tư vấn bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong lĩnh vực mua sắm”.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi, tỉnh đã có nhiều nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng vẫn có những trường hợp người tiêu dùng bị xâm phạm. Đặc biệt là chưa có giải pháp căn cơ để ngăn chặn vi phạm hàng gian, hàng giả trên thị trường.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có 8 quyền và 5 nghĩa vụ, trong đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn và nội dung cam kết. Ngoài ra, còn được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng An Giang Tạ Minh Sơn chia sẻ: “Thông qua vai trò Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang, nhiều vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng trong tỉnh đã được giải quyết kịp thời, tạo lòng tin cho người dân. Qua đó kêu gọi mọi người hãy phát huy quyền của người tiêu dùng một cách thiết thực và cụ thể. Các bạn có gì băn khoăn, thắc mắc xin gửi thông tin đến hội. Chúng tôi sẽ trân trọng ghi nhận và luôn có những giải pháp để đưa đến một sự thỏa đáng, công bằng giữa người sử dụng các dịch vụ, người mua hàng hóa và người sản xuất ở một tâm thế công bằng, tôn trọng lẫn nhau”.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng mô hình “DN vì quyền lợi người tiêu dùng”.

Năm nay, Sở Công thương An Giang đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, phổ biến pháp luật và kiến thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, siêu thị và trung tâm thương mại, để có nhận thức chung về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Sở Công thương An Giang phối hợp Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ, nhận thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng. Kiểm soát, không để lưu thông trên thị trường những hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.

Tỉnh tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội cho các DN xuất-nhập khẩu, cơ sở sản xuất - kinh doanh, cá nhân bán hàng trên mạng xã hội, người tiêu dùng, người lao động... Tiếp tục triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả và thịt heo nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm tốt nhất.

Nhằm xây dựng mô hình “DN vì người tiêu dùng”, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan vào chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của DN. Đào tạo, tập huấn cho lãnh đạo, nhân viên của DN; tổ chức chương trình tri ân khách hàng; giao lưu gặp gỡ giữa DN và người tiêu dùng để kịp thời tiếp thu ý kiến góp ý, từ đó DN chủ động sản xuất, điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng qua đường dây nóng: 02963.956.701 hoặc gọi 1800.6838 - Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc. Tiếp nhận trực tiếp tại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang (số 10, đường Lê Triệu Kiết, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên).

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích