Nơi chiến tranh đi qua

30/04/2018 - 16:44

 - Những năm tháng chiến tranh, Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, Tri Tôn) đã hứng chịu hàng loạt trận càn quét của quân thù, là chiến trường ác liệt. Nay, Ô Tà Sóc đã vươn mình phát triển, người dân tập trung sản xuất, quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Chiến trường ác liệt

Ngày nay, Ô Tà Sóc là một trong những điểm đến quen thuộc của khách du lịch gần xa, cảnh vật 2 bên đường hoang vu, thơ mộng với những con suối trong vắt len lỏi chảy qua những vườn cây xanh mướt tạo nên vẻ đẹp mơ mộng. Cảnh đẹp là vậy nhưng trước đây, nơi này là chiến trường ác liệt, là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy An Giang từ năm 1962-1967. Nơi đây có các cơ quan như: quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, thanh niên, phụ nữ...

Nhắc đến 2 từ “chiến tranh”, người dân Lương Phi không quên nhắc đến sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trên đồi Ma Thiên Lãnh. Ông Phan Văn Kéo, một người dân địa phương tâm sự: “Lúc đó, ở đây bị bắn phá ác liệt lắm. Do đây là căn cứ của Tỉnh ủy, nên bom, đạn của địch bắn phá liên tục. Tuy nhiên, quân địch vừa đến, bộ đội chặn đánh. Những lúc thấy máy bay địch bay qua, các chiến sĩ leo lên các mỏm đá để bắn, nhờ địa hình hiểm trở mà quân đội ta được an toàn”.

Đồi Ma Thiên Lãnh, nơi chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh

Ông Kéo cho biết, năm 1969, khi Tỉnh ủy An Giang rút đi, đồi Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực miền trú đóng quân. Máy bay địch ném bom đánh sập cửa hang, 7 chiến sĩ bị mắc kẹt trong đó. Mấy ngày sau, địch tiến đánh đồi Ma Thiên Lãnh ác liệt, đơn vị phải lùi về rừng U Minh. Cả 7 chiến sĩ của đơn vị vĩnh viễn nằm lại trong hang. Năm 2007, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiến hành phá cửa hang Ma Thiên Lãnh để tìm hài cốt 7 liệt sĩ. Gần 1 tháng làm việc cật lực của các chiến sĩ cùng với người dân, hài cốt của những chiến sĩ đã được tìm thấy và được đưa ra khỏi hang. Hiện nay, tại cửa hang Ma Thiên Lãnh có dựng bia tưởng niệm với hình cờ Tổ quốc và phía dưới có bàn thờ các liệt sĩ để tưởng nhớ đến những người vì quê hương đã nằm xuống. 

Vươn mình phát triển

Qua gần nửa thế kỷ, người dân xã Lương Phi nói chung, khu vực Ô Tà Sóc nói riêng đã nỗ lực xây dựng quê hương trù phú như hôm nay. Chiến trường xưa giờ đã là những vườn cây ăn trái xanh mướt. Những sườn đồi đầy vết tích đạn bom giờ đã trở thành những mảnh vườn, nương rẫy tốt tươi. Những hố bom được bà con tận dụng để làm hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất vào mùa khô...Các con đường đều được láng nhựa thẳng tấp, nhà cửa khang trang, điện thắp sáng đến từng nhà, cuộc sống người dân đủ đầy hơn. Ông Lê Thành Văn, người dân địa phương cho biết: “Trước đây, việc đi lại, buôn bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi trời mưa. Giờ đây, các tuyến đường đều được láng nhựa nên người dân đi lại dễ dàng hơn, hàng hóa được thông thương, đời sống người dân ngày càng phát triển”.

Đồi Ma Thiên Lãnh, nơi chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh

Những năm sau ngày giải phóng, đời sống người dân Lương Phi gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự cần cù, chịu thương, chịu khó, sự quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, cuộc sống người dân ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Có được kết quả trên, nhờ địa phương đã phát huy tốt thế mạnh và tiềm năng sẵn có, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ông Chau Bul, người dân địa phương cho biết, “Người dân nơi đây có đời sống kinh tế chủ yếu từ du dịch, trồng tre, tầm vong, xoài, trồng rẫy, chăn nuôi... Bà con luôn đoàn kết và chăm chỉ làm ăn nên đời sống được cải thiện. Có được kết quả như hôm nay cũng nhờ công ơn của những chiến sĩ ngày trước”.

Lương Phi đang chuyển mình để phát triển, bên cạnh những thuận lợi còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lương Phi quyết tâm xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

ĐỨC TOÀN