Đội cồng chiêng thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng trong buổi sinh hoạt tại văn hóa cộng đồng thôn.
Thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng là một điểm sáng, nơi có đội cồng chiêng của đồng bào dân tộc S’tiêng. Hơn 10 năm qua, đội cồng chiêng này thường tập trung vào những ngày cuối tuần hoặc cuối tháng tại nhà văn hóa để đánh cồng chiêng cũng như trao đổi kinh nghiệm trong đời sống sản xuất.
Nơi đây, những người già, nghệ nhân vẫn giữ niềm đam mê, nhiệt huyết với nhịp điệu cồng chiêng. Ngoài mang tiếng nhạc ru đời, họ cũng không quên “truyền lửa” cho các thế hệ con cháu trong làng. Với họ, âm vang cồng chiêng là một món ăn tinh thần độc đáo, đồng thời thôi thúc bảo tồn và phát huy loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Những ngày cuối tuần hoặc cuối tháng, đi ngang nhà văn hóa thôn Bình Trung sẽ được nghe nhịp điệu cồng chiêng vang lên. Trưởng thôn Bình Trung Điểu Vét cho biết, cồng chiêng đã gắn bó với cộng đồng dân tộc S’tiêng ở đây từ rất lâu rồi. Vài năm trở lại đây, nhiều thể loại nhạc hiện đại đã khiến cồng chiêng không được các thế hệ trẻ yêu thích. Tuy nhiên, trong thôn hiện vẫn còn lại một bộ cồng chiêng, thời gian rảnh rỗi các nghệ nhân, già làng sum họp để tập luyện để tham gia các lễ hội văn hóa, văn nghệ do các cấp chính quyền địa phương tổ chức. Bên cạnh đó, sự ra đời của đội cồng chiêng thôn Bình Trung đã và đang góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của người đồng bào thiểu số nơi đây.
Ngày xưa, cồng chiêng xuất hiện trong các các lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu, cưới, hỏi… Tuy nhiên, hiện nay tiếng cồng chiêng hầu như chỉ còn trong các lễ hội phục dựng hay cuộc thi liên hoa văn hóa các dân tộc thiểu số. Thôn Bình Tân nhiều năm không còn nhiều người biết đánh cồng chiêng. Từ khi đội cồng chiêng được thành lập, được các cấp chính quyền quan tâm nên bà con rất phấn khởi. “Đội cồng chiêng thôn Bình Trung thường xuyên tập hợp tại nhà văn hóa thôn để tập luyện. Chúng tôi chủ yếu gồm các thành viên lớn tuổi, còn những thế hệ trẻ cũng được vận động tự nguyện tham gia và truyền dạy những ngày rảnh rỗi”, ông Điểu Vét cho biết thêm.
Một trong những người tâm huyết “giữ lửa” cồng chiêng tại thôn Bình Trung, ông Điểu Du (51 tuổi) rất tự hào vì là người gắn bó với đội cồng chiêng từ ngày mới thành lập. Theo ông Điểu Du, các thành viên biểu diễn cồng chiêng ở thôn Bình Trung hiện nay chủ yếu là người già và trung niên. Ý thức giữ gìn vốn văn hóa của dân tộc S’tiêng ở đây ngày càng được phát huy. Bản thân ông khi đứng trong đội cồng chiêng mới thấu hiểu hơn trách nhiệm gìn giữ bản sắc dân tộc của mình. Là một nghệ nhân, ông tâm niệm sẽ cố gắng “truyền lửa” cho những người có đam mê nhưng chưa biết sử dụng để phát huy vốn văn hóa truyền thống của ông cha để lại.
Ông Điểu Du hiện là Trưởng ban đội cồng chiêng thôn Bình Trung và là một trong những thành viên năng nổ, đi đầu trong mọi hoạt động biểu diễn và truyền dạy cồng chiêng tại địa phương. Ông Điểu Du chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã thấy người lớn đánh cồng chiêng tại các lễ hội của làng. Không biết từ khi nào mà âm vang cồng chiêng cũng đã thấm vào người tôi cho đến bây giờ. Hiện nay, trong làng chỉ còn lại đội cồng chiêng của thôn biết đánh đúng nhịp. Những người trong đội luôn cố gắng phát huy, bảo tồn nét văn hóa của ông cha đã để lại”.
Còn ông Điểu Phuông (60 tuổi) cũng là thành viên kỳ cựu của đội cồng chiêng. Bản thân ông đã từng tới nhiều nơi ở tỉnh Bình Phước và nhận thấy bản sắc văn hóa của dân tộc S’tiêng hiện nay ngày càng mai một dần, trong đó có cồng chiêng. Hiện những thành viên trong đội cồng chiêng thôn Bình Trung đều có chung hướng đi nhằm duy trì và có thể tiếp nối mạch văn hóa cồng chiêng cho thế hệ con cháu. Tuy đây là những rào cản lớn vì sự phát triển, giao thoa cùng các văn hóa khác nhau, nhưng với những am hiểu về cồng chiêng đã góp phần “giữ lửa” duy trì hoạt động phong trào, tạo nên sức sống cho cồng chiêng S’tiêng ở thôn Bình Trung nói riêng và của dân tộc S’tiêng ở vùng miền Đông đất đỏ Bình Phước nói chung.
Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, thế hệ kế cận tiếp nối già làng, nghệ nhân cồng chiêng như Điểu Bai, Điều Bình... đã xuất hiện, giúp cho đội cồng chiêng của thôn thêm sung sức. Dù còn “non” tay nghề, nhưng những kiến thức được các già làng, nghệ nhân tận tình chỉ dạy đã giúp họ ngày càng chững chặc hơn. Em Điểu Bình (15 tuổi) chia sẻ: "Em thích cồng chiêng từ khi thấy các chú, các bác biểu diễn trong vài năm gần đây tại lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số. Thời gian rảnh rỗi, em đến nhà văn hóa để nghe và được truyền dạy cồng chiêng, đến nay đã đánh được một số bài chiêng truyền thống. Tiếng chiêng sau mỗi lần đánh em cảm thấy rất thiêng liêng và yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình hơn. Em sẽ cố gắng học hỏi thế hệ đi trước để cồng chiêng không bị lãng quên".
“Điểm sáng” âm vang cồng chiêng thôn Bình Trung đang hồi sinh trở lại trong cộng đồng đồng bào thiểu số, bà Nguyễn Thị Kim Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương cũng đã hỗ trợ cho câu lạc bộ cồng chiêng, tập luyện các tiết mục để tham gia các hoạt động của xã nhà tại huyện, tỉnh. Trong thời gian tới, địa phương rất mong sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và các ngành chuyện môn tiếp tục hỗ trợ cho câu lạc bộ cồng chiêng tiếp tục gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân tộc S’tiêng.
Để phát huy và lan tỏa giá trị cồng chiêng, đồng bào S’tiêng nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung, những người già làng, nghệ nhân đều có mong muốn được chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về chủ trương và hỗ trợ kinh phí để đội cồng chiêng hoạt động ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Thông qua các hoạt động sẽ kết nối để bà con được tham gia biểu diễn, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi cho người trẻ noi, gìn giữ, phát huy và bảo tồn.
Tiếng cồng chiêng từ thôn Bình Trung đã lan xa, theo chân các thành viên đi biểu diễn từ địa phương đến trung ương. Tiếng cồng chiêng mang nặng hồn cốt văn hóa các dân tộc thiểu số S’tiêng ấy mãi còn được lưu giữ và “tiếp lửa” cho các thế hệ mai sau!
Theo Báo Tin Tức