Nỗi lòng người bán hoa

19/01/2023 - 19:34

 - Tết đang ở đâu đây, trước thềm nhà, trong từng con phố. Chiều 27 tháng Chạp, mọi người rời công sở, người tạm gác chuyện học hành, về nhà ăn Tết. Nhưng, có rất nhiều người đang mong ngóng Tết. Với họ, Tết còn xa, bởi nỗi lo... hoa ế!

Trên sông Long Xuyên (tỉnh An Giang) lúc này, ghe xuồng vẫn vào ra liên tục mỗi ngày, chở sắc màu của Tết từ các nơi về phố thị.

Hoa thì đua nhau khoe sắc, đủ loại, đủ màu, mang theo ý nghĩa tươi vui của năm mới. Mấy cây nhỏ nhỏ như phát tài, phát lộc thì bán chạy lắm. Mỗi ngày, hàng trăm chậu được tiêu thụ.

Nhưng người bán hoa Tết thì chồng chất nỗi lo. Bà Nguyễn Thị Nho (40 tuổi) bắt đầu dọn sạp bán chợ hoa Xuân Long Xuyên từ 25 tháng Chạp. “Sức mua năm nay rất yếu, một phần do người dân tiết kiệm chi phí, phần do giá cả các loại tăng cao” – bà Nho nói giọng rầu rầu.

Ngồi giữa hoa rực rỡ, giữa nụ mai chúm chím, Tết ràng ràng trước mặt, vậy mà lòng người bán chẳng yên.

Nói mặt hàng kiểng bán khá chậm, là nói tích cực. Chứ đúng ra, phải gọi là “đìu hiu”. Khách đi ngang qua chỉ dừng ngắm nghía cho đỡ ghiền...

Chiều 28 Tết, những ánh mắt thất thần. Khách dừng lại, chưa kịp mừng thì chê đắt, chê rẻ, trả giá thấp, rồi... quay đi. Chỉ còn người bán ở lại, đong đầy những bất an.

Chợ Tết là phải xôm, chứ không ai muốn xuất hiện trong những khung hình chậm rãi, bình yên, vắng vẻ thế này.

Nếu cây kiểng còn có thể đem về vườn dưỡng lại, chờ mùa Tết năm sau tiếp tục bán, thì hoa chỉ đợi khoe sắc mấy ngày sắp tới. Vậy nên, tâm tình người bán càng về cận Tết, lại càng trầm.

Dạo một vòng quanh chợ hoa Long Xuyên, vẫn tấp nập người mua, vẫn xôm tụ trả giá. Nhưng nếu trước đây, họ mua 2-3, thì giờ chỉ còn 1. Trước khi mua, họ cân nhắc từng chậu, từng mức giá. Chưa kể, tâm lý người mua đợi 29, 30 Tết mới mua hoa, để giá hạ thấp nhất có thể.

Năm ngoái, ông Phạm Văn Tín (52 tuổi) không bán hoa Tết, vì dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng. Hai hôm trước, vợ chồng ông chắt mót 300 chậu vạn thọ các loại, mang từ TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) về An Giang bán.

Mỗi cặp vạn thọ vàng chân thấp có giá 70.000 đồng, khách trả xuống còn 50.000 đồng. Không bán thì khách bỏ đi, nên ông thở dài đưa cho họ. 2 ngày nữa Tết đến rồi, mà vợ chồng ông bán mới được 1/3. Nếu cứ tình trạng này, ông đành hạ giá thấp hơn nữa, bán hết để về nhà, còn Tết nhứt tính sau…

Câu chuyện hoa Tết luôn thăng trầm, đầy may rủi chẳng thể đoán trước. Dù chúng tươi vui, rạng ngời trong tiết Xuân, nhưng đâu thể mang Tết cho người bán, nếu vẫn chất đống ở sạp. Thôi thì, người bán lẫn người mua đều cố gắng mở lòng, chia sẻ cùng nhau, để Tết bên nào cũng trọn vẹn, đủ đầy!

KHÁNH ĐĂNG