Nữ dân quân vùng biên

10/08/2020 - 07:08

 - Giờ đây, mỗi cá nhân, tập thể đều có vai trò đặc biệt riêng, cùng góp công, góp của vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là ở tuyến biên giới. Những đóng góp âm thầm, lặng lẽ của họ có thể không quá lớn lao, nhưng trở thành “hậu phương vững chắc” cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ. Tôi muốn kể câu chuyện về những nữ dân quân vùng biên giới.

Các nữ dân quân chuẩn bị bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Theo quy định, công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Nếu tình nguyện tham gia thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ. Nhiệm vụ của lực lượng này được quy định rất rõ ràng trong Luật Dân quân tự vệ năm 2019. Ở điều kiện bình thường, nữ dân quân tự vệ thường được phân công nhiệm vụ văn thư, thống kê, báo cáo, hậu cần... tại Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã.

Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được đặt lên hàng đầu, nhiệm vụ của các nữ dân quân cũng thay đổi theo. Ở khu vực biên giới, mọi lực lượng tập trung làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, tội phạm buôn lậu…

Chị Lê Thị Lít (sinh năm 1988, Ban Chỉ huy Quân sự xã Khánh Bình, An Phú) chia sẻ: “Tôi tham gia dân quân tự vệ đã 6 năm, rất yêu thích công việc này. Khi dịch bệnh bùng phát, tôi được phân công tham gia phối hợp cùng các lực lượng chức năng, đoàn thể đi tuần tra biên giới; tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn người qua lại biên giới trái phép”.

Hôm ấy, chị Lít tham gia cùng lực lượng tuần tra kiểm soát, gặp gỡ, trao đổi với người dân địa phương về tình hình dịch bệnh; vận động họ cùng phát huy vai trò giữ gìn biên cương. Chòng chành trên sông nước trưa nắng khiến các chị em phụ nữ trong đoàn khá vất vả, nhưng họ cố gắng vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Tại xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên), một tiểu đội dân quân nữ được thành lập, hỗ trợ rất nhiều trong công tác hậu cần, xây dựng nông thôn mới, vận động quần chúng. Mùa dịch này, các chị em mỗi người một tay, cùng nấu cơm chiều cho 6 tổ chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn xã. Khi chúng tôi đến nơi, tất cả đang tập trung lặt rau, rửa cá, chế biến thức ăn luôn tay, luôn chân.

Chị Lê Thị Kim Thoa (sinh năm 1985) được xem là nữ dân quân có thâm niên ở đơn vị, với 5 năm công tác. “Chúng tôi rủ nhau cùng tham gia nấu ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Hàng ngày, tất cả cùng nhau đi chợ, làm công việc chuyên môn xong thì bắt tay vào nấu nướng cho kịp giờ cơm. Chị em dân quân chúng tôi muốn mình trở thành chỗ dựa tinh thần cho các anh an tâm hoàn thành nhiệm vụ” - chị Thoa cười.

Sau khi nấu ăn xong, các chị tranh thủ vận chuyển thức ăn ra tổ chốt. Thời tiết nắng mưa thất thường, đường ra chốt rất bất tiện, phải di chuyển từ xe máy sang vỏ lãi, rồi đi bộ một quãng dài. Thế nhưng, với các chị, vất vả cỡ nào cũng vẫn không bằng lực lượng “dãi nắng dầm sương”, trực 24/24 giờ ngoài đồng suốt mấy tháng nay.

Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nhơn Hưng Nguyễn Thanh Viên cho biết: “Nhơn Hưng là 1 trong 4 xã biên giới của huyện Tịnh Biên. Thời gian qua, địa phương xây dựng một tiểu đội dân quân nữ, biên chế trong lực lượng cơ động. Từ các mặt công tác thường xuyên đến đột xuất, các chị em luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, từng cá nhân thể hiện rất rõ vai trò của mình. Ban Chỉ huy Quân sự xã đảm nhận nhiệm vụ chuẩn bị các bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ ở tổ, chốt phòng, chống dịch bệnh. Các nữ dân quân đã tham gia hỗ trợ nấu ăn, đem thức ăn ra tận chốt”.

Để làm tốt vai trò nữ dân quân, các chị em phải sắp xếp hài hòa việc nhà, việc nước, không ngại khó ngại khổ sát cánh cùng các cán bộ, chiến sĩ. Nữ dân quân Phạm Thị Ngọc Hân (Ban Chỉ huy Quân sự xã Nhơn Hưng) chia sẻ: “Giờ hành chính, tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn để có thời gian tham gia với các chị em dân quân khác. Tôi may mắn được gia đình ủng hộ, khuyến khích làm công việc này, vì họ hiểu tôi đang đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào giữ gìn và bảo vệ quê hương, đất nước, làm việc có ích cho xã hội”.

Buổi chiều ở biên giới, cơn nắng gay gắt chợt dịu nhẹ đi, bởi nụ cười tươi của các nữ dân quân. Trong các cuộc trò chuyện với tôi, họ đều bày tỏ niềm yêu thích vai trò mình đang đảm nhận. “Làm nữ dân quân không hề khó, chỉ cần có tấm lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, biết chung tay chia sẻ một phần trách nhiệm cùng xã hội. Tôi mong các bạn nữ nếu có điều kiện thì nên nhiệt tình tham gia lực lượng dân quân tự vệ, đừng sợ vất vả, khổ cực” - chị Thái Thị Thoại Mỹ (sinh năm 1998, Ban Chỉ huy Quân sự xã Phú Hội, An Phú) nhắn nhủ.

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích