Núi lửa Merapi, Indonesia phun khí nóng, 500 người phải sơ tán

07/01/2021 - 18:56

Sáng nay, 7-1, núi lửa Merapi của Indonesia phun ra những đám mây nóng khiến 500 người sống trên núi ở huyện Magelang trên đảo Java phải sơ tán. Trong ngày hôm nay, các vụ phun trào tiếp tục diễn ra.

Núi Merapi phun ra khí nóng vào ngày 7-1 nhìn từ Sleman, Yogyakarta, Indonesia. Ảnh AP.

Từ ngày 5-1, núi lửa Merapi, nằm ở miền trung của đảo Java, cách khoảng 400 km về phía tây nam thủ đô Jakarta của Indonesia đã phun trào nham thạch nóng chảy và ghi nhận sự gia tăng hoạt động đã khiến chính quyền địa phương nâng mức độ cảnh báo.

Trong một tuyên bố hôm 6-1, Cơ quan Địa chất Indonesia (GA) cho biết, vụ phun trào kèm theo các trận động đất nhỏ kéo dài hơn hai phút, đã gây ra ít nhất 23 vụ lở tuyết dọc theo sườn đồi. Theo ghi nhận của cơ quan này, núi lửa Merapi có thể đã bước vào một giai đoạn phun trào.

Núi lửa Merapi của Indonesia phun khí nóng, 500 người phải sơ tán -0

Ngày 7-1, 500 người sống trên sườn núi Merapi phải sơ tán vì khí nóng. Ảnh: AP.

Giám đốc Cơ quan Địa chất Indonesia Hanik Humaira yêu cầu những người sống gần núi lửa luôn cảnh giác trước hoạt động ngày càng tăng của núi lửa và đã thiết lập một vành đai an ninh lên tới 5 km chung quanh miệng núi lửa.

Từ tháng 11-2020, GA đã nâng mức cảnh báo của núi lửa Merapi lên mức cao thứ hai sau khi các cảm biến nhận thấy hoạt động ngày càng tăng. Các hoạt động du lịch và khai thác bị tạm dừng.

Một số người sơ tán đã quay trở lại các sườn núi sau khi hoạt động phun trào lắng xuống, nhưng phải rời đi lần nữa vào ngày 7-1.

Trước đó, vào tháng 6-2020, núi lửa Merapi phun tro và khí nóng thành cột cao như 6 km vào bầu trời, nhưng không có thương vong.

Núi lửa Merapi cao 2.968 mét, là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới và cũng là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở quốc gia châu Á này.

Núi lửa Merapi của Indonesia phun khí nóng, 500 người phải sơ tán -0

Núi Merapi phun trào cột tro màu đỏ vào tháng 11-2010. Ảnh: Volcano Discovery.

Lần phun trào lớn cuối cùng của núi lửa vào năm 2010 đã giết chết 347 người và gần 400.000 người phải sơ tán, trong đó có 3.000 gia đình phải di dời vĩnh viễn.

Quần đảo Indonesia với hơn 250 triệu dân nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương, một khu vực có nhiều hoạt động địa chấn với 127 ngọn núi lửa đang hoạt động. Hàng nghìn cơn chấn động được ghi nhận mỗi năm, hầu hết đều có cường độ thấp.

Theo TRÀ LAM (Báo Nhân Dân)