Tro bụi phun lên từ núi lửa Lewotobi Laki-Laki, nhìn từ làng Pulolera ở Flores Timur, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, ngày 17/1/2024. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Giới chức đã nâng cảnh báo núi lửa lên mức cao nhất và sơ tán các khu vực trong bán kính 7 km quanh núi lửa.
Vụ phun trào được ghi nhận lúc 23h57 giờ địa phương (tức 22h57 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Núi lửa Lewotobi Laki-laki đã phun ra cột dung nham đỏ rực, sau đó xảy ra mưa và sấm sét lớn khiến người dân hoảng loạn. Tro núi lửa và đá nóng chảy phun ra từ miệng núi lửa đã rơi xuống các khu dân cư gần nhất cách miệng núi lửa khoảng 4 km, thiêu rụi và làm hư hại nhà cửa của người dân, cũng như làm mất điện.
Giới chức địa phương cho biết tính đến sáng 4/11, ít nhất 9 người đã thiệt mạng và 7 ngôi làng bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào này. Các ngôi làng gần nhất đang bị bao phủ bởi lớp tro núi lửa dày. Nhà chức trách hiện vẫn đang thu thập dữ liệu về số người phải sơ tán và các tòa nhà bị hư hại.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", một khu vực có hoạt động địa chấn mạnh trên đỉnh của nhiều mảng kiến tạo. Núi Lewotobi Laki-laki, nằm trên đảo Flores ở tỉnh Nusa Tenggara, miền Đông nước này. Đợt phun trào này diễn ra sau một loạt đợt phun trào của nhiều ngọn núi lửa khác nhau ở Indonesia. Hồi tháng 5, núi lửa Ibu trên đảo xa xôi “thức giấc” đã khiến người dân phải sơ tán khỏi 7 ngôi làng. Cũng trong tháng 5, núi lửa Ruang ở Bắc Sulawesi cũng đã phun trào và khiến 12.000 người phải sơ tán.
Theo TTXVN