Nước Mỹ kỷ niệm 20 năm sự kiện khủng bố 11-9

12/09/2021 - 10:03

Người Mỹ hôm 11-9 (giờ địa phương) cùng nhau tưởng nhớ gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Hai mươi năm sau khi không tặc đâm máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York và Lầu Năm Góc bên ngoài Washington, người Mỹ cùng nhau tưởng nhớ gần 3.000 người thiệt mạng năm 2001.

Khi hồi chuông vang lên vào 8h46 sáng, buổi lễ tại Đài tưởng niệm ngày 11-9 ở hạ Manhattan bắt đầu với một khoảnh khắc im lặng, thời điểm chiếc máy bay đầu tiên đâm vào một trong hai tòa tháp. Tổng thống Mỹ Joe Biden có mặt tại buổi lễ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân Jill Biden cùng các cựu Tổng thống và quan chức khác tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Reuters)

Mike Low, người đầu tiên phát biểu, nói về "nỗi buồn không thể chịu đựng được" khi con gái ông, Sara, qua đời. Cô là một tiếp viên hàng không trên chiếc máy bay đâm vào tháp Bắc.

“Khi nhớ về ngày khủng khiếp đó, tôi có cảm giác như một bóng ma ác quỷ đã giáng xuống thế giới của chúng ta, nhưng đó cũng là thời điểm mà nhiều người đã có những hành động phi thường", ông nói. 

Những người thân sau đó bắt đầu đọc to tên của 2.977 nạn nhân. Bài hát "I'll See You in My Dreams" (Tôi sẽ gặp bạn trong mơ) được biểu diễn.

Rời Ground Zero - nơi đặt hai tòa tháp bị tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden đến Shanksville, Pennsylvania, nơi chuyến bay 93 của United Airlines bị rơi. Hành khách trên chuyến bay này đã chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát máy bay bị cướp.

 

Manhattan dịp kỷ niệm 20 năm sự kiện ngày 11-9. (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm cuối cùng của ông Biden là đến Lầu Năm Góc, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Arlington, Virginia, để tưởng nhớ 184 người đã chết ở đó khi Chuyến bay 77 của American Airlines đâm vào.

Việc tưởng nhớ này là một truyền thống hàng năm nhưng năm nay có ý nghĩa đặc biệt. 20 năm trôi qua sau buổi sáng mà nhiều người coi như một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ, một ngày khiến người Mỹ cảm thấy dễ bị tổn thương và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị của nước này.

Chỉ vài tuần trước, các lực lượng Mỹ và đồng minh hoàn tất cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan, nơi Mỹ tiến vào để trả đũa cho các cuộc tấn công 11-9. Nó đã trở thành cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử Mỹ, khiến 2.461 quân nhân thiệt mạng. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mark Milley gọi đây là "một chương khủng khiếp trong lịch sử quốc gia của chúng ta".

Trong khi đó, đại dịch COVID-19, cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 655.000 người Mỹ.

Một điểm tưởng nhớ những người qua đời tại Lầu Năm Góc. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại Shanksville, cựu Tổng thống George W. Bush, người nhậm chức 8 tháng trước ngày 11-9 lịch sử, cho biết sự đoàn kết thể hiện sau đó khác xa với những rạn nứt hiện đang chia rẽ người Mỹ.

“Những lực lượng độc hại dường như đang hoạt động trong cuộc sống của chúng ta, biến bất đồng thành tranh cãi và mọi tranh cãi thành xung đột giữa các nền văn hóa”, ông nói và cảnh báo về nguy cơ gia tăng chủ nghĩa cực đoan trong nước. "Nhiều thành phần trong nền chính trị của chúng ta đã lôi kéo sự tức giận, sợ hãi và phẫn uất".

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người mà đảng Dân chủ và thậm chí một số đảng viên Cộng hòa đổ lỗi cho việc làm chính trị Mỹ trở nên khó khăn hơn, đã tung một video chỉ trích cách xử lý của ông Biden trong việc rút lui khỏi Afghanistan. Ông Trump không tham dự lễ tưởng niệm nhưng nói chuyện tại một khu vực gần Trump Tower ở trung tâm Manhattan, lặp lại cáo buộc cuộc bầu cử năm 2020 là "gian lận" và nói với các sĩ quan cảnh sát rằng họ đã có thể loại trừ tội phạm nếu bị ít ràng buộc hơn.

Vào lúc hoàng hôn, 88 bóng đèn chiếu tia sáng lên bầu trời tái hiện các tòa tháp đã sụp đổ trong thảm kịch 11-9. Năm nay, các tòa nhà trên khắp Manhattan, bao gồm tòa nhà Empire State và nhà hát Opera Metropolitan, cũng tham gia lễ kỷ niệm bằng cách chiếu sáng.

Theo PHƯƠNG ANH (VTC New)