Chính phủ các nước ngày càng hỗ trợ mạnh hơn cho xe điện
“Hiện tại, Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc” - Đó là sự thừa nhận không mấy dễ dàng của Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken trong bài phát biểu cuối tháng 4-2021. Cường quốc số 1 thế giới về công nghệ nay đã bị Trung Quốc “vượt mặt”.
Cuộc đổi ngôi ngoạn mục trên vũ đài công nghệ toàn cầu là điều đã được dự đoán từ trước khi hơn 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đầu tư nguồn lực khổng lồ cho phát triển các công nghệ lõi và kiến tạo các thương hiệu ô tô quốc gia, trong đó ô tô điện được coi là quân bài chiến lược trong nền kinh tế của đất nước tỷ dân.
Từ năm 2010, Trung Quốc liệt xe điện vào bảy chiến lược kinh tế mới, xem đây là trụ cột của sự tăng trưởng và cũng là lối tắt nhanh nhất để bứt tốc, khẳng định vị thế quốc tế mới của nước này. Đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã rót vào thị trường xe điện khoảng 60 tỷ USD.
Xe buýt điện thông minh của Vinbus đưa vào vận hành tháng 4-2021. Ảnh minh họa: Vingroup
Trung Quốc trợ cấp cho nhà sản xuất xe điện 3.500-6.400 EURO/sản phẩm, trợ cấp vốn 30% để xây dựng trạm sạc, hỗ trợ điện cho sản xuất. Đặc biệt, nhằm gia tăng sự hấp dẫn của xe điện, Trung Quốc còn hỗ trợ rất mạnh tay cho người dùng, đồng thời, hạn chế người dân mua ô tô sử dụng xăng, dầu làm nhiên liệu. Như tại Thượng Hải, phí cấp biển với xe động cơ đốt trong là 13.000 USD, còn xe điện được miễn phí.
Ngoài ra, Trung Quốc còn khuyến khích người mua khi trợ giá xe điện trên toàn quốc 17.000 USD. Xe điện cũng được miễn phí đỗ xe, phí cao tốc; tiền sạc cũng được miễn phí hoặc theo giá thấp.
Ngoài chính sách hỗ trợ hào phóng, chính phủ Trung Quốc còn xây dựng hàng loạt thị trấn mô hình “Detroit của Trung Quốc”, dành riêng cho việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm xe điện. Những chính sách tổng lực, bài bản đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ cao, đồng thời là thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới về xe điện từ năm 2016.
Các cường quốc xe hơi cũng không đứng ngoài cuộc. Tổng thống Mỹ, Joe Biden, hồi tháng 4 đã kêu gọi các hãng xe nước này tập trung nguồn lực cho xe điện vì nhận thấy xu hướng tương lai của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Về chính sách, Chính phủ Mỹ hỗ trợ từ 5.000-7.500 USD/xe điện. Một số bang còn trợ cấp thêm 2.500 USD.
Chính phủ Anh cam kết chi 290 triệu bảng Anh thúc đẩy ngành công nghiệp phương tiện sạch. Anh cũng trợ cấp khoảng 35% tổng giá trị ô tô, tối đa là 4.500 bảng Anh. Ngoài ra, xe chạy hoàn toàn bằng điện sẽ được miễn phí đường bộ hàng năm.
Đức bên cạnh việc trợ giá trực tiếp 3.000-4.000 EURO cho mỗi phương tiện chạy điện còn lập quỹ trị giá 1 tỷ EURO chi cho giảm giá xe và xây dựng hệ thống trạm sạc.
Tại châu Á, từ năm 2020-2025, Hàn Quốc dự kiến đầu tư 17,6 tỷ USD vào lĩnh vực xe thân thiện môi trường, tập trung chủ yếu vào xây dựng trạm sạc điện tại các tuyến đường, tòa nhà và các khu trạm nghỉ chân trên đường cao tốc.
Chính sách đủ tầm để nâng vị thế công nghệ quốc gia
Lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới đang dần được viết lại bằng xe điện. Nhưng theo các chuyên gia, hiện nay, Việt Nam chưa có một chính sách tổng thể ở tầm quốc gia cho loại phương tiện này. Vì thế, từ việc Tập đoàn Vingroup mới đây đề xuất một số cơ chế, chính sách để phát triển xe điện, các chuyên gia cho rằng, không nên xem đây là câu chuyện của cá nhân doanh nghiệp mà cần xem xét trong bức tranh toàn diện.
Chiếc xe VinFast chạy điện chạy thử tại Hà Nội. Ảnh: VinFast
Các chuyên gia nhận định, ô tô điện sẽ là nhân tố chiến lược trong việc góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xe điện là phương tiện hiện đại, thông minh, có thể đóng góp vào việc xây dựng thành phố thông minh, hệ thống giao thông thông minh. Đặc biệt, ô tô điện không đơn thuần là công nghiệp cơ khí, mà là ngành công nghiệp công nghệ cao, có thể giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cần phải xác định việc nhanh chóng phát triển ô tô điện chính là cơ hội để vươn lên trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và đây là xu thế tất yếu. Chủ trương của Đảng và Nhà nước khuyến khích phát triển xe ô tô điện nói riêng và các phương tiện thân thiện với môi trường nói chung cần phải được cụ thể hoá bằng các chính sách, các quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch, để người dân yên tâm sử dụng và các đơn vị sản xuất, kinh doanh ô tô điện yên tâm phát triển.
Với các nhà sản xuất, Chính phủ có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện cho xe điện, hỗ trợ cơ sở hạ tầng liên quan như cấp đất, miễn giảm thuế sử dụng đất cho nhà máy sản xuất ô tô hoặc sản phẩm phụ trợ cũng như hệ thống trạm sạc…
Với người tiêu dùng, việc Nhà nước trợ giá trực tiếp như cách làm của các quốc gia là khó do điều kiện ngân sách hạn hẹp. Nhưng hỗ trợ chi phí sở hữu phương tiện như giảm toàn bộ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí sử dụng đường bộ… là hoàn toàn khả thi.
“Phải có mục tiêu rõ ràng và lộ trình chính sách rõ ràng thì mới hiện thực hóa được tiềm năng của xe điện”, TS Khuất Việt Hùng nhận định.
Đồng quan điểm, PGS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng ô tô điện là cơ hội giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu chiến lược đã được thể hiện qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25-9-2012; Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 ban hành ngày 20-3-2014. Đó là khuyến khích phát triển công nghệ xanh; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định, ô tô điện còn là sản phẩm công nghệ cao, mang vị thế công nghệ của một quốc gia. Và trong lĩnh vực này, Việt Nam đang có xuất phát điểm không quá xa so với các nước, hoàn toàn có cơ hội tạo dấu ấn nếu được hỗ trợ phát triển.
“Phải hỗ trợ thì mới có những doanh nghiệp Việt trưởng thành, sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao để vươn ra thế giới, tạo nên tầm vóc và thương hiệu quốc gia”, PGS Tuấn khẳng định.
PGS, TS Bùi Quang Tuấn nhận định, để ô tô điện phát triển tại Việt Nam, cần các chính sách, giải pháp cụ thể, có tính liên thông, liên ngành và tác động trên nhiều mặt, nhằm hỗ trợ cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Và quan trọng hơn cả là phải làm ngay để không bỏ lỡ cơ hội vàng.
“Phát triển được một sản phẩm công nghệ cao như ô tô điện, chúng ta sẽ nâng cao được năng lực công nghệ, nâng tầm cả nền khoa học công nghệ nước nhà”, PGS Tuấn kết luận.
Theo Báo Nhân Dân