Chiều 13-3, tại Hà Nội, Hội thảo chuyên đề "Tương lai của Báo chí và trí tuệ nhân tạo" do Global PR Hub cùng Hội Nhà báo Việt Nam, hãng tin Reuters và MGID phối hợp tổ chức, quy tụ hơn 70 lãnh đạo và cơ quan quản lý, cơ quan báo chí tham dự. Hội thảo là cơ hội tốt để bàn luận về các xu hướng mới và chia sẻ kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí và truyền thông tại Việt Nam.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân, cho rằng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ nói chung và AI nói riêng trong thế giới thông tin hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng AI đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức.
Có ý kiến cho rằng AI "đồng minh" rất quan trọng để tạo ra báo chí chất lượng cao và ngay cả những cơ quan báo chí ở những quốc gia nhỏ cũng sẽ được lợi rất nhiều từ việc này. Nhưng tất nhiên mọi người thấy rằng AI cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy những lợi thế của AI nhưng chưa nhận thấy những rủi ro mà nó có thể mang lại.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Văn Duẩn
Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi là trong 12 tháng tới lĩnh vực nào được ưu tiên thì có 8/10 cơ quan báo chí được hỏi trả lời rằng đầu tư vào AI là rất quan trọng bên cạnh phân tích dữ liệu…
Thế nhưng, chỉ có 34 % lạc quan cho rằng AI tạo sinh sẽ mang lại cơ hội cho họ và 8% được hỏi thì không lạc quan tí nào. Có 67% các cơ quan báo chí cho rằng không được chuẩn bị tốt để đón bắt những cơ hội mà AI mang lại.
Theo ông Lê Quốc Minh, AI đang được sử dụng vào rất nhiều việc nhưng AI cũng là những mối nguy hiểm. Ví dụ trong việc tạo ra nội dung, một trang thông tin chuyên về công nghệ trên thế giới đã âm thầm sử dụng AI để tạo ra nội dung nhưng người ta phát hiện ra rằng có đến 40% nội dung là sai trái.
Do đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng dù AI đã hỗ trợ rất nhiều trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và thu thập tin tức, nhưng cũng mang lại rất nhiều những rủi ro mà nhiều khi chúng ta không thể nào phát hiện được. "Hầu hết các tòa soạn đều cho rằng họ rất muốn sử dụng AI nhưng sẽ có tác động tiêu cực đến niềm tin của công chúng đối với tin tức" - ông Lê Quốc Minh nói.
Lâu nay báo chí là sự thật, báo chí đưa lên thì của người tin thế, còn những cái điều sai trái, nói dối người ta không tin. Tuy nhiên, đáng sợ nhất là "họ không tin vào cái gì cả" vì không biết đâu là đúng, sai, thì đây là điều vô cùng nguy hại. "Điều này đòi hỏi chúng ta bây giờ phải hành động. Hành động hay là chết" - ông Lê Quốc Minh nêu.
Nói về những đổi mới sáng tạo trong báo chí truyền thông toàn cầu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng chúng ta đã mắc một sai lầm rất lớn là báo chí cho nội dung miễn phí lên internet. "Bây giờ sai lầm này không thể nào cứu chữa được" - ông nhấn mạnh.
Cho nên cần thúc đẩy có những quy định về mặt pháp lý để bảo vệ bản quyền của báo chí đang được tiêu dùng, đang được phân tích bởi AI. "Getty Images đã cấm OpenAI không được sử dụng kho hình ảnh của họ".
Báo chí bây giờ nên quay trở lại với cái bản chất ban đầu, đó là xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp.
"Với báo in, những gì có thể tìm thấy được ở trên internet thì đừng đưa lên báo in nữa, có như vậy mới có thể thu hút được người dùng" - ông Lê Quốc Minh nói.
Đại diện Ban tổ chức, bà Lê Mai Anh, Giám đốc Điều hành Global PR Hub, chia sẻ: Chúng tôi hi vọng đây sẽ là cơ hội quý báu để các nhà lãnh đạo và chuyên gia trong ngành báo chí và truyền thông tại Việt Nam cùng nhau ngồi lại để tìm ra những cơ hội và giải pháp mới trong thời đại của trí tuệ nhân tạo và công nghệ, kết nối tới khán giả một cách hiệu quả hơn.
Theo VĂN DUẨN (Người Lao Động)