Ông Năm Di với công tác xã hội - từ thiện

13/12/2022 - 07:31

 - Nặng lòng với công tác từ thiện của địa phương, hơn 30 năm qua, ông Hồ Văn Di (ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nổi bật là việc xây dựng cầu nông thôn, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn.

Đội thi công cầu đường xã Mỹ Hiệp

Với tâm niệm “cho đi là nhận lại”, ông Hồ Văn Di (Năm Di) xem công tác xã hội không chỉ giúp người, mà còn để bản thân có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Trước đây, ông từng tham gia Chi hội Chữ Thập đỏ ấp, sau đó vào Ban Chấp hành Hội Chữ Thập đỏ xã Mỹ Hiệp. Thời gian đó, ông hoạt động nhiều ở đội sưu tầm dược liệu. Lúc đầu, đội hoạt động chủ yếu trên địa bàn xã, dần mở rộng sang các địa phương lân cận do nhu cầu của Tổ chẩn trị y học cổ truyền ngày một nhiều hơn…

Đến năm 1989, ông Năm Di bắt đầu tham gia xây nhà Tình thương; rải đá, lót đường nông thôn; xây mới và sửa chữa những cây cầu gỗ đã xuống cấp. Ông Năm Di sinh ra và lớn lên ở một trong 3 xã cù lao Giêng, nơi có sông ngòi chằng chịt.

Thấy việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, việc đi học hàng ngày của các em nhỏ gặp nhiều khó khăn, ông thấy mình cần phải có trách nhiệm với quê hương. Ông bắt tay vào việc xây dựng, sửa chữa cầu nông thôn, bắt đầu từ những chiếc cầu bằng cây tạp rồi chuyển sang xây dựng cầu bằng gỗ căm xe cho chắc chắn.

Để việc xây dựng được thuận lợi, ông Năm Di thành lập Đội thi công cầu đường xã Mỹ Hiệp, số lượng thành viên từ 20-60 người. Theo ông, để xây dựng được cây cầu to, chắc chắn không phải dễ dàng, phải đặt hết tâm huyết của mình vào từng công trình. Bên cạnh đó, phải nắm được nguyên lý của kết cấu móng trụ, đà dầm cho chắc chắn… Quan trọng nhất là sự phối hợp của chính quyền địa phương, sự quan tâm, ủng hộ của các nhà hảo tâm, cũng như sự đoàn kết của các thành viên trong đội…

Năm 1999, đánh dấu cột mốc đáng nhớ của Đội thi công cầu đường xã Mỹ Hiệp, khi chuyển từ xây dựng cầu gỗ sang cầu bê-tông. Công trình ghi dấu mốc là cầu Rạch Lung Sen, nối xã Tấn Mỹ - Mỹ Hiệp. Cầu có chiều dài 30m, ngang 3m, được xây bằng bê-tông cốt thép.

Ông Di cho biết, lần đầu tiên xây dựng cầu bê-tông kiên cố, các thành viên trong đội gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm cũng như nguồn kinh phí còn hạn chế. Sau những công trình đầu tiên, nhờ tích lũy kinh nghiệm nên các công trình tiếp theo đều thuận lợi, đạt chất lượng cao. Cầu được xây dựng có chiều ngang từ 2,5-3,5m, chiều dài 20-33m, kinh phí xây dựng từ 100-250 triệu đồng…

Mỗi năm, đội thi công cầu đường của ông Năm Di xây dựng từ 3-5 cây cầu bê-tông. Năm 2020, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng đội đẩy mạnh xây dựng cầu đường nông thôn, nhằm đạt mục tiêu xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025.

Trong năm đó, đội của ông Năm Di đã xây dựng 10 cây cầu bê-tông, tổng kinh phí xây dựng cầu và ngày công lao động gần 5 tỷ đồng. Mỗi cây cầu chiều ngang 3-3,7m, dài từ 25-35m. Đội còn bê-tông 2km đường nông thôn với kinh phí và ngày công vượt mức 1 tỷ đồng.

Ông Năm Di cho biết, có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính chính quyền địa phương. Ngoài ra, địa phương còn tăng cường kêu gọi cá nhân, tập thể, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, nên các công trình đều hoàn thành sớm hơn thời gian dự tính. Bên cạnh đó, vấn đề tiếp nhận đóng góp, thu chi và chịu trách nhiệm xây dựng đều báo cáo rõ ràng, công khai minh bạch nên tạo được lòng tin đối với các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương.

Ngoài hoạt động xây dựng cầu, đường nông thôn, ông Năm Di còn quản lý đội xe chuyển bệnh từ thiện gồm 5 thành viên, do ông làm tổ trưởng. Lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đội xe chuyển bệnh hỗ trợ 5-7 ca bệnh mỗi ngày.

Ngoài ra, đội còn hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, nông sản, nhu yếu phẩm đến các khu cách ly trong xã…Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực đó, ông Năm Di cùng đội thi công cầu đường vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền các cấp, của UBMTTQVN tỉnh về thành tích vận động, đóng góp cho công tác xã hội - từ thiện...

ĐỨC TOÀN